Trên thị trường thế giới, giá dầu WTI đạt 79,09 USD/thùng, tăng 0,28%. Trong khi đó, giá dầu Brent đạt 85,53 USD/thùng, tăng 1,22% vào lúc 7h41 ngày 1/2 theo giờ Việt Nam.
Hợp đồng Brent giao tháng tháng 4 và WTI của Mỹ đã quay đầu tăng trở lại sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo rằng nhu cầu đối với dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Mỹ đã tăng 178.000 thùng/ngày trong tháng 11-2022 lên 20,59 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 8-2022.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 31/1 nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu do sự “vững vàng đáng ngạc nhiên” của nhu cầu ở Mỹ và châu Âu, giá năng lượng suy yếu, và việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau khi Bắc Kinh từ bỏ chính sách Zero Covid...
Trả lời hãng tin Reuters (Anh), các quan chức của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh, còn gọi là OPEC+, cho biết khối này có thể sẽ giữ nguyên chính sách sản lượng dầu hiện tại khi nhóm họp trong tuần này.
Theo kế hoạch, bộ trưởng từ các nước OPEC+ sẽ tham gia một cuộc họp trực tuyến vào lúc 18 giờ ngày 1/2 theo giờ Việt Nam.
Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng OPEC+ (JMMC) có thể kêu gọi tổ chức một cuộc họp đầy đủ của OPEC+ nếu cần thiết.
Tại thị trường Việt Nam, sáng ngày 1/2 giá xăng dầu trên thị trường không cao hơn mức giá:
- Xăng E5RON92 không cao hơn 22.342 đồng/lít
- Xăng RON 95 không cao hơn 23.044 đồng/lít
- Dầu điêzen 0.05S:không cao hơn 22.521 đồng/lít
- Dầu hỏa không cao hơn 22.577 đồng/lít
- Dầu mazút không cao hơn 13.930 đồng/kg.