Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 66,3-67,3 triệu đồng/lượng. Vàng Doji niêm yết giá vàng ở mức 66,25-67,25 triệu đồng/lượng. Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 66,2-67,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng biến động liên tục trong tuần này, có nhiều thời điểm không bám sát giá vàng quốc tế. Chênh lệch giá mua - bán vàng miếng vẫn đang rộng, phổ biến 1 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.788,02 USD/ounce, tăng 23,71 USD so với chốt phiên giao dịch tuần trước.
Báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ vừa công bố cuối tuần qua đã ảnh hưởng lớn đến xu hướng của vàng, ít nhất là trong ngắn hạn.
Nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến xu hướng của giá vàng.
Chiến lược gia trưởng Bart Melek của TD Securities nói với CNBC: “Đây không phải là một câu chuyện tốt đối với vàng, ít nhất là trong ngắn hạn”.
Hiện tại, một số nhà phân tích tiếp tục tin tưởng vào khả năng tăng giá của vàng. Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Kitco Metals cho biết, thị trường vẫn có một số động lực tăng giá kỹ thuật có thể khiến giá tăng cao hơn trong tuần tới.
Các nhà đầu tư bán lẻ cũng tỏ ra khá lạc quan về vàng.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đã đưa ra quan điểm trung lập và giảm giá hơn.
Marc Chandler, Giám đốc quản lý tại Bannockburn Global Forex dự báo mức giá phá vỡ là 1.750 USD, cũng có thể là 1.725 USD, nhưng có khả năng hợp lý giá vàng thế giới sẽ trở lại ngưỡng 1.700 USD/ounce.
Adrian Day, chủ tịch của Adrian Day Asset Management, cho biết, ông trung lập với vàng trong tuần tới vì dữ liệu việc làm mới nhất sẽ khiến các nhà đầu tư vàng thận trọng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng trong dài hạn, ông vẫn lạc quan về vàng.