Thời điểm 8h45 sáng nay 4/7 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đứng ở mức 1.805 USD/ounce, giảm 5 USD/ounce so với chốt phiên tuần trước. Cuối tuần trước, giá quý kim vừa trải qua một phiên lao dốc mạnh, xuyên thủng ngưỡng quan trọng 1.800 USD tuy nhiên đã lấy lại đà tăng sau đó.
Giá vàng hiện vẫn đang chịu sức ép lớn từ sức mạnh của đồng USD. Đồng USD tăng mạnh do được thúc đẩy bởi lập trường “diều hâu” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã gây áp lực lên thị trường vàng.
Ông David Madden, nhà phân tích thị trường tại Equiti Capital nhận định: "Tôi nghĩ rằng, USD có một chút lợi thế so với vàng. Mặc dù kim loại quý có vẻ thoải mái khi giao dịch quanh mức 1.800 USD/ounce, nhưng bức tranh kỹ thuật cho thấy giá có thể giảm xuống dưới mức hỗ trợ này trong ngắn hạn".
Tuy vậy, theo các chuyên gia, bất chấp khởi đầu ảm đạm cho đến nửa cuối năm 2022, vàng vẫn tiếp tục vượt trội so với thị trường chứng khoán. Chỉ số S&P 500 kết thúc nửa đầu năm 2022 giảm 20%, đây là hiệu suất nửa năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của OANDA cho rằng, suy thoái kinh tế gia tăng khiến vàng khó nắm bắt hơn khi nhiều nhà đầu tư tái cân bằng danh mục đầu tư trong nửa cuối năm.
Theo chuyên gia này, nếu đồng USD vẫn được hỗ trợ khá tốt, vàng có thể dễ bị tổn thương bởi một số áp lực bán. Ông dự báo, vàng sẽ đi ngang trong thời gian tới.
Ở thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 68,2-68,82 triệu đồng/lượng, chưa đổi so với chốt phiên hôm qua.
Vàng Doji niêm yết giá vàng ở mức 68,15-68,75 triệu đồng/lượng, tương đương so với chốt phiên liền trước.
Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 68,2-68,8 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so với chốt phiên gần nhất.