Gia tăng bệnh nhi viêm đường hô hấp cấp: Dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay

12/11/2021 11:43

Các bác sĩ cho biết khi giao mùa, trẻ thường dễ nhiễm các loại virus dẫn tới viêm đường hô hấp cấp, đứng đầu là virus hợp bào hô hấp RSV.

Gia tăng bệnh nhi viêm đường hô hấp cấp: Dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay

 

Tại phòng Cấp cứu - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, chị N.A (ở Lào Cai) đang chăm sóc con trai 2 tháng tuổi. Chị cho biết, trước khi nhập viện 3 ngày, bé xuất hiện ho, ngạt mũi, gia đình có cho trẻ đi khám và uống thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ. Khi thấy bé có biểu hiện thở nhanh, khó thở, trẻ được gia đình đưa đến bệnh viện. Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm chẩn đoán và tìm căn nguyên gây bệnh.

Kết quả cho thấy bé bị viêm phổi do nhiễm virus hợp bào hô hấp. Hiện sau 5 ngày điều trị và chăm sóc đặc biệt, tình trạng sức khỏe của bé tiến triển tốt, tuy nhiên vẫn cần phải theo dõi thêm.

Nằm kế bên là bệnh nhi Q.V (2,5 tháng tuổi, ở Vĩnh Phúc). Mẹ bé cho biết trước khi nhập viện bé có biểu hiện ho khò khè nhưng không sốt. Gia đình đã đưa trẻ đi khám và điều trị tại bệnh viện địa phương. Sau khi ra viện được 5 ngày, trẻ bị tái lại nặng hơn, bỏ ăn, thở gắng sức, rút lõm lồng ngực. Gia đình lập tức đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm phổi nặng, có nhiễm virus hợp bào hô hấp.

Gia tăng bệnh nhi viêm đường hô hấp cấp: Dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay - Ảnh 1.

Số lượng trẻ nhỏ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng cao.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh – Giám đốc Trung tâm Hô hấp - cho biết, virus là một trong những tác nhân quan trọng gây viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em, đứng đầu là virus hợp bào hô hấp (RSV). Ngoài ra, còn có các loại virus khác như: Rhinovuris, hMPV, Andenovirus, cúm,...

Hiện nay, mỗi ngày Trung tâm Hô hấp tiếp nhận từ 15-20 bệnh nhân nhiễm trùng hô hấp nặng, trong đó các ca nhiễm virus hợp bào hô hấp chiếm khoảng 20-30%. Bệnh hay gặp ở nhóm tuổi dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh và khiến bệnh trở nặng:

- Trẻ đẻ non, cân nặng khi sinh thấp.

- Trẻ dưới 3 tháng tuổi.

- Trẻ có bệnh tim bẩm sinh có tăng áp lực động mạch phổi.

- Bệnh phổi mãn tính: Loạn sản phế quản phổi, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, suy dinh dưỡng nặng, trẻ bị bệnh lý thần kinh cơ.

- Đường lây truyền: qua giọt bắn và dịch tiết của đường hô hấp bị nhiễm virus như ho, hắt hơi, chảy mũi, hoặc tiếp xúc trực tiếp như tiếp xúc dịch tiết hô hấp trên các bề mặt.

Một số biểu hiện lâm sàng của bệnh:

- Trẻ bị nhiễm virus RSV thường có những dấu hiệu khởi phát là các triệu chứng của viêm long đường hô hấp trên như ho, hắt hơi, sổ mũi…

- Giai đoạn toàn phát trẻ khò khè, ho, thở nhanh.

- Trẻ sơ sinh có thể tím tái hoặc có cơn ngừng thở.

Phương pháp điều trị:

Khi nhập viện, trẻ được cách ly tại các phòng bệnh riêng biệt. Trẻ được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế:

- Thông thoáng đường thở

- Hỗ trợ hô hấp khi cần

- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng

- Chăm sóc toàn diện

Hướng dẫn cách phòng bệnh:

- Ngay từ khi mang thai, cần chăm sóc bà mẹ, để đảm bảo trẻ sinh ra đủ tháng, đủ cân và khỏe mạnh.

- Cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 tuổi.

- Cho ăn dặm đúng phương pháp đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng.

- Môi trường sống trong lành, không có khói, bụi, khói thuốc lá.

- Vệ sinh mũi họng thường xuyên: nhỏ mũi bằng nước muối sinh lí (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lí.

- Vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường.

- Hạn chế cho trẻ ra ngoài vào sáng sớm hoặc đêm lạnh, nếu bắt buộc ra ngoài phải đeo khẩu trang, giữ ấm cho trẻ.

- Hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Đối với trẻ lớn, thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

- Tiêm vaccine phòng bệnh theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Các bác sĩ khuyến cáo khi thấy trẻ có một trong các dấu hiệu nặng như: bỏ bú, ăn kém, thở nhanh rút lõm lồng ngực, tím tái, sốt cao, co giật, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sơ y tế để được khám và điều trị kịp thời.

 

Lê Liên