Giá dầu khó bứt phá vì dịch Covid-19 bùng phát làm u ám triển vọng nhu cầu

01/02/2021 14:47

Giá dầu trong phiên giao dịch sáng nay 1/2 trên thị trường Châu Á ở quanh mức 52 USD/thùng sau tuần giảm đầu tiên kể từ tháng 10/2020, là dấu hiệu cho thấy đại dịch Covid-19 tái bùng phát đang ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế và nhu cầu năng lượng.

Sáng nay, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn tương lai giao dịch ở mức khoảng 52 USD/thùng, sau khi Trung Quốc thông báo chỉ số quản lý sức mua của nước này không đạt mức dự kiến, cho thấy nền kinh tế lớn nhất Châu Á vẫn bị tác động tiêu cực bất chấp những nỗ lực kiềm chế dịch Covid-19.
 
Giá dầu khó bứt phá vì dịch Covid-19 bùng phát làm u ám triển vọng nhu cầu

Trong tuần qua, giá dầu Brent và dầu WTI trên hai sàn London và New York đã giảm khoảng 1,3%.

Giá dầu thế giới

Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 31/1 cho hay, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI), chỉ số đo lường thể trạng khu vực sản xuất của nước này trong tháng 1/2021 ở mức 51,3 điểm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với tháng 12/2020 và là mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua. 

Tết Nguyên đán là giai đoạn dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát mạnh ở Trung Quốc vì những người làm ăn xa trong dịp này đều về quê để ăn Tết. Thị trường tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới này buộc phải kiềm chế hoạt động đi lại trong dịp Tết.

Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ năm 2020 suy thoái với tốc độ nhanh nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2 do đại dịch làm giảm chi tiêu tiêu dùng cũng như đầu tư kinh doanh, đẩy hàng triệu người Mỹ rơi vào cảnh thất nghiệp, nghèo đó.

Trong bối cảnh này, Saudi Arabia dự kiến sẽ hạ giá bán dầu chính thức cho các khách hàng Châu Á cho các hợp đồng kỳ hạn giao vào tháng 3/2021, là lần cắt giảm đầu tiên trong vòng 3 tháng. Theo đó, một số nguồn tin cho rằng giá bán chính thức dầu nhẹ (Arab Light) của Saudi Arabia (gọi là giá OSP) sẽ được giảm khoảng 16 - 30 US cent cho mỗi thùng

Giá bán dầu chính thức của Saudi Arabia (OSP) được dùng tham chiếu cho thị trường Châu Á.

Các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, đã giảm mua dầu thô trong tháng 1/2021, gây áp lực lên các loại dầu Trung Quốc thường mua như dầu thô ESPO Blend của Nga - giá đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái, giữa bối cảnh nguồn cung dầu thô ở Châu Á vẫn dồi dào.

Tuy nhiên, trong khi nhu cầu dầu nguy cơ giảm mạnh thì sản lượng mặt hàng này vẫn được các nước sản xuất kiểm soát tốt.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC ) ước tính mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong tháng 1/2021 đạt 99%, theo đó mức độ tuân thủ của OPEC khoảng 103%, còn của các đồng minh khoảng 93%. Trong khi đó, hãng Chevron Corp cho biết họ sẽ đợi cho đến khi có thông tin chính xác hơn về tình hình đại dịch và OPEC trước khi nối lại kế hoạch tăng sản lượng dầu đá phiến.

Vân Chi