Tính đến đầu giờ sáng ngày 8/7, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2021 đứng ở mức 71,23 USD/thùng, giảm 0,27 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 7/7, giá dầu WTI giao tháng 9/2021 đã giảm 3,67 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 9/2021 đứng ở mức 73,21 USD/thùng, giảm 0,22 USD/thùng trong phiên và đã giảm tới 1,75 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 7/7.
Giới phân tích cho rằng, động thái của Mỹ sẽ đặt các nước xuất khẩu dầu mỏ của OPEC+ trước 2 lựa chọn: Một là duy trì mức sản lượng hiện tại và chấp nhận nhường thị phần cho Mỹ; hai là chấp nhận tăng sản lượng, giảm lợi nhuận để cạnh tranh thị phần với Mỹ.
Một số nguồn tin OPEC cho biết họ vẫn tin rằng nhóm sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận trong tháng này và đồng ý bơm thêm dầu từ tháng 8, mặc dù những người khác cho biết các biện pháp hạn chế hiện tại có thể vẫn được duy trì. Nhà Trắng cho biết đang theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán của OPEC+. Thời gian diễn ra các cuộc đàm phán tiếp theo không được ấn định, theo Reuters.
Việc giá dầu tăng cao là điều chính phủ nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, không mong muốn vì nó sẽ tạo ra áp lực không nhỏ đối với quá trình tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Ngoài ra, giá dầu hôm nay có xu hướng giảm còn do thị trường ghi nhận dữ liệu kinh tế tiêu cực từ châu Âu và cảnh báo mới về diễn biến của dịch COVID-19. Số liệu về đơn đặt hàng nhà máy của Đức tháng 5 giảm tới 3,7%, trái ngược dự báo tăng 1% của Investing.
Hiện thị trường dầu thô đang hướng sự chú ý đến biên bản cuộc họp chính sách của FED để có thêm dữ liệu đánh giá triển vọng phục hồi kinh tế của nền kinh tế số 1 thế giới.