Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đang vui mừng bởi đồng baht yếu đi so với USD cho phép họ hạ giá bán gạo xuống thấp hơn nữa để cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác. Gạo 5% tấm của Thái Lan tuần qua giảm xuống 380 – 386 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2019, so với mức 380 – 393 USD/tấn trước đó một tuần.Đồng baht đã giảm khoảng 3% kể từ cuối tháng 8 đến nay.
Xuất khẩu gạo Thái Lan trì trệ suốt nửa đầu năm nay do giá quá cao bởi đồng baht mạnh, trong bối cảnh nguồn cung bị ảnh hưởng sau những tháng hạn hán kéo dài trước đó.
Tuy nhiên, từ tháng 7, xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc. Thông tin từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho hay xuất khẩu gạo tháng 7 đạt 419.578 tấn trị giá 7,47 tỷ baht, tăng lần lượt 7,6% và 4,9% so với tháng 6. Tuy nhiên, xuất khẩu hồi phục mạnh chỉ tập trung ở phân khúc gạo đồ, tăng 107,4% so với tháng 6 và đạt 175.522 tấn, trong khi xuất khẩu gạo trắng vẫn giảm 33,7% trong cùng khoảng thời gian đó, chỉ đạt 136.501 tấn.
Với việc giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đang giảm mạnh như hiện nay, rẻ hơn so với gạo Việt Nam và càng rẻ hơn nhiều so với gạo Ấn Độ, Hiệp hội kỳ vọng xuất khẩu trong những tháng cuối năm đạt 600.000 – 700.000 tấn mỗi tháng.
Giá gạo Ấn Độ tuần qua vững so với tuần trước đó, với loại đồ 5% tấm ở mức 360 - 365 USD/tấn và nhu cầu từ khách hàng Châu Phi cũng đang dần cải thiện, mặc dù nhu cầu từ khách hàng Châu Á vẫn giảm, ngoại trừ Bangladesh.
Chính phủ Bangladesh tuần qua đã mở thêm một phiên đấu thầu quốc tế để mua 50.000 tấn gạo bổ sung vào kho dự trữ - hiện còn rất thấp, và đã chấp thuận giá bỏ thầu thầu thấp nhất của một doanh nghiệp Ấn Độ, là 428,84 USD/tấn.
Với lợi thế gần với Châu Phi về mặt địa lý giúp cho cước phí vận tải giảm mạnh, cộng với nguồn cung trong nước dồi dào và giá gạo rẻ nhất Châu Á, xuất khẩu gạo Ấn Độ đang trên đà tăng mạnh trong năm 2021.
Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh gạo của Olam Ấn Độ, Nitin Gupta lạc quan rằng xuất khẩu gạo Ấn Độ năm nay có thể đạt tới 22 triệu tấn, tương đương bằng hoặc nhiều hơn tổng khối lượng xuất khẩu của cả 3 nước xuất khẩu lớn tiếp theo (Thái Lan, Việt Nam và Pakistan) cộng lại và chiếm tới 45% tổng xuất khẩu gạo toàn cầu trong năm 2021 (Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo xuất khẩu gạo toàn cầu niên vụ 2021/22 sẽ đạt 48,5 triệu tấn).
Trái với xu hướng giá của hai nước xuất khẩu gạo trên, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần qua tăng nhẹ, loại 5% tấm lên 415- $ 420 / tấn, so với 410 - 420 USD/tấn cách đây một tuần, mặc dù hoạt động mua bán diễn ra trầm lắng bởi thiếu vắng khách hàng do chi phí vận chuyển cao và hàng chậm giao.
Tuy nhiên, mặc dù khó khăn do Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác thực hiện giãn cách, song xuất khẩu gạo trong tháng 8 đã có dấu hiệu khởi sắc.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo trong tháng 8/2021 tăng nhẹ 7,4% về lượng và tăng 1,3% kim ngạch so với tháng 7/2021, đạt 499.033 tấn, tương đương 243,31 triệu USD, song giá giảm thêm 5,6% xuống trung bình 487,6 USD/tấn. So với tháng 8/2020, xuất khẩu gạo trong tháng 8 vừa qua cũng giảm cả về lượng, kim ngạch và giá với mức giảm tương ứng 17,4%, 19,9% và 3%.
Về triển vọng xuất khẩu gạo thế giới, dự kiến sự cạnh tranh sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.
Ấn Độ có lợi thế giá gạo rẻ và nguồn cung dồi dào, song nước này cũng đang lo ngại xuất khẩu sẽ chậm lại khi các "đối thủ" Châu Á khác như Thái Lan và Việt Nam tăng tốc. Thông tin từ Ấn Độ cho biết, xuất khẩu gạo non-basmati của nước này quý 3 đã chậm lại, nhất là sang các thị trường Viễn Đông và Đông Nam Á.
Thái Lan đang lạc quan khi tín hiệu xuất khẩu gạo khởi sắc so với các đối thủ nhờ giá gạo giảm mạnh, song khó khăn về việc vận chuyển ở một số tuyến đường vận chuyển trọng điểm như Mỹ và Châu Âu vẫn cản trở xuất khẩu gạo của nước này, mặc dù xuất khẩu sang Châu Phi, Trung Đông và Châu Á dự báo sẽ khả quan.
Xuất khẩu gạo Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tăng tốc khi những hạn chế di chuyển liên quan đến Covid-19 dần được nới lỏng, mặc dù việc giá gạo Thái Lan và Ấn Độ rẻ hơn cản trở xuất khẩu tăng mạnh.
Hàng loạt cảng biển đang được mở lại dịch vụ đóng rút gạo để phục vụ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hoàn thành đơn hàng cuối năm. Từ 25/9, cảng Tân Cảng Sa Đéc mở cửa tiếp nhận dịch vụ đóng hàng phục vụ xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp. Trước đó, từ ngày 22.9, cảng Tân Cảng Hiệp Phước cũng đã mở lại dịch vụ, đóng góp thêm công suất đóng rút 18-20 container/ngày, giảm bớt ách tắc trong đóng rút gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp hiện nay.
Tham khảo: USDA, Thairiceexporters