"Đổ lỗi" cho cơ chế tính giá đất
Tại buổi tọa đàm về xu hướng bất động sản ngày 6/6, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh đã lên tiếng về những khó khăn của doanh nghiệp khi đầu tư dự án, đặc biệt là dự án nằm ở vị trí đắc địa trong khu vực nội đô Hà Nội. Đây là lần xuất hiện hiếm hoi của vị đại gia bất động sản siêu sang kể từ sau lùm xùm kiện cáo, căng băng rôn phản đối chủ đầu tư của hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án D' Capitale Trần Duy hồi năm 2018...
Theo chia sẻ của ông Dũng, Tân Hoàng Minh đã mua khu đất rộng 4.000m2 tại số 22-24 Hàng Bài để xây dựng dự án D’.San Raffles từ năm 2006. Trong đó phần đất của nhà máy bia là 3.700m2 và khoảng 300m2 đất mua từ các hộ dân mà công ty phải trả tới 1 tỉ đồng mỗi m2. Nhẩm tính giá trị của khu đất 4.000m2 này thời điểm trước đã có giá 4.000 tỉ đồng và giá trị đất "kim cương" vẫn sẽ tăng lên theo thời gian.
Tân Hoàng Minh đã phải mất tới 4 năm để đền bù giải tỏa chỉ 300m2 đất này và mất 5 năm để nộp hồ sơ tính tiền sử dụng đất mà đến nay vẫn chưa xong. Tính chung tập đoàn này đã mất 14 năm cho việc giải tỏa mặt bằng và hoàn thiện pháp lý của dự án.
"Năm 2015, tôi nộp hồ sơ tính tiền sử dụng đất mà đến bây giờ vẫn chưa tính xong. Tức là tôi mất 14 năm cho việc giải tỏa mặt bằng và hoàn thiện pháp lý. Có vô vàn lý do nhưng dù lý do gì thì cán bộ tính tiền sử dụng đất phải chịu trách nhiệm, không thể để 1 miếng đất tới 14 – 15 năm không làm được", ông Dũng nói, bày tỏ bức xúc khi đề cập tới một số khó khăn trong vấn đề thủ tục, pháp lý ở lĩnh vực bất động sản hiện nay.
Ông Dũng cho rằng, đất dù có vị trí vàng, vị trí đẹp đến đâu mà để cả chục năm thì vẫn lỗ vốn. Và những chia sẻ của ông Đỗ Anh Dũng phần nào lý giải nguyên nhân sự chậm trễ triển khai xây dựng của dự án D’. San Raffles – Hai Bà Trưng số 22-24 Hàng Bài trong nhiều năm.
Ý tưởng về khách sạn siêu sang, trung tâm thương mại đẳng cấp quý tộc tại khu đất này giờ vẫn nằm trên giấy, mà nguyên nhân chậm triển khai do chủ đầu tư liên tục có những đề xuất xin tăng chiều cao công trình, chuyển đổi công năng...
Được biết, tháng 6/2010 UBND TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu tư Công ty cổ phần Thời đại Mơi T&T và đến năm 2015, cấp giấy điều chỉnh lần 1. Theo đó, diện tích sử dụng đất là 4.072,9m2; quy mô đầu tư theo quy hoạch được Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận tại Văn bản số 88/QHKT-TMB-PAKT ngày 9/1/2015 với chiều cao công trình 8 tầng; tổng vốn đầu tư 992,679 tỉ đồng; tiến độ xây dựng từ năm 2015 đến năm 2018. Chủ đầu tư đã được giao đất theo Quyết định số 3362/QĐ-UBND ngày 19/7/2011 và điều chỉnh tại Quyết định số 6138/QĐ-UBND ngày 13/11/2015 với diện tích đất 4.077,5m2. Đến tháng 3/2015, dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư Thời đại mới T&T lại xin tăng số tầng công trình lên 12 tầng, nhưng không được chấp thuận. Do đó, công ty này giữ nguyên là 8 tầng và xin chuyển đổi thành khách sạn 5 sao, thay vì làm chung cư như quảng cáo ra thị trường ở thời điểm đó. Dự án nằm trong khu vực nội đô, trung tâm thủ đô nên không được phép xây quá cao tầng. Đến tháng 10/2018, Công ty cổ phần Thời Đại Mới T&T lập hồ sơ điều chỉnh tổng mức đầu tư và tiến độ dự án, giữ nguyên quy mô, chức năng công trình đã được chấp thuận tại Giấy chứng nhận đầu tư.
Hàng loạt dự án chậm tiến độ, vi phạm xây dựng
Không chỉ dự án D’. San Raffles – Hai Bà Trưng vẫn bỏ hoang nhiều năm qua, mà hàng loạt dự án siêu sang do Tân Hoàng Minh đầu tư cũng có "tiền sử" chậm tiến độ, bỏ hoang để cỏ mọc um tùm, gây lãng phí tài nguyên đất đai...
Điển hình là dự án D’. Le Roi Soleil - Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội có diện tích đất 9.185 m2, được quy hoạch xây dựng tòa chung cư cao 25 tầng nổi và 6 tầng hầm; mật độ xây dựng lên tới 50%. Theo quảng cáo, dự án sẽ cung cấp 498 căn hộ cao cấp ở vị trí đắc địa, hướng nhìn hồ Tây. Mặc dù khởi công xây dựng và nhận đăng ký căn hộ từ ngày 4/7/2015 song đến tháng 2/2016, nơi đây vẫn chỉ là một bãi đất trống, hoàn toàn chưa có dấu hiệu về việc sẽ tiến hành khởi công xây dựng. Vài năm sau đó, dự án mới được triển khai xây dựng, cùng với hoạt động bán hàng rầm rộ, thu tiền của khách hàng.
Đáng nói là dự án D’. Palais Louis – Nguyễn Văn Huyên nằm trên khu đất vàng rộng 4.791m2. Được khởi công từ năm 2009, chiều cao công trình 27 tầng và 4 tầng hầm, giá căn hộ lên tới hơn chục tỉ đồng... nhưng dự án này phải mất tới gần 1 thập kỷ để xây dựng, hoàn thiện. Do việc chậm tiến độ và liên tục giãn tiến độ khiến năm 2014, Tân Hoàng Minh phải trả lại tiền đặt cọc cho khoảng 60 nhà đầu tư của dự án D’. Palais Louis, Nguyễn Văn Huyên. Đến năm 2016, sau khi bắt tay hợp tác với Tập đoàn Vingroup, dự án này mới được đẩy nhanh tiến độ và Tân Hoàng Minh mới tiến hành mở bán trở lại.
Đây cũng là dự án tai tiếng nhất của Tân Hoàng Minh khi bị khách hàng “tố” hàng loạt sai phạm, cụ thể như: “Tại một số gói thầu không có đủ kiến trúc sư, kỹ sư chuyên ngành phù hợp với loại công trình thi công xây dựng. Tại gói thầu thi công cọc Barrette đại trà và tường vây, chủ đầu tư đã khởi công xây dựng trước khi có giấy phép xây dựng hơn một năm (ngày 8/10/2010 mới được cấp giấy phép nhưng chủ đầu tư đã cho khởi công từ ngày 16/9/2009). Về nghiệm thu, thanh toán khối lượng tại gói thầu thiết kế, quản lý dự án và giám sát thi công do Công ty TNHH tư vấn xây dựng Meinhardt (Việt Nam) thực hiện đã không thực hiện công tác quản lý dự án và giám sát thi công công trình nên giảm giá trị hợp đồng là 910.000USD…”.
Bộ Xây dựng cũng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án D’. Palais De Louis - Nguyễn Văn Huyên về quản lý xây dựng, hồ sơ quản lý chất lượng không đầy đủ, không đảm bảo yêu cầu thi công... và đã xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư và các nhà thầu tại dự án.
Trên thực tế, việc triển khai kinh doanh các dự án bất động sản của Tân Hoàng Minh cũng diễn ra tình trạng bán nhà khi chưa đủ điều kiện kinh doanh, huy động vốn sớm... đã phản ánh năng lực tài chính của chủ đầu tư "có vấn đề" nên phải vội vã bán lúa non, thu tiền. Song nguồn tiền lại không được rót vào dự án để đảm bảo tiến độ như cam kết với nhà đầu tư.
Quay trở lại câu chuyện "đổ lỗi" cho cơ chế khiến chủ đầu tư dự án chậm trễ triển khai dự án 22-24 Hàng Bài, ngoài các yếu tố về thủ tục đầu tư, xây dựng thì dư luận cũng đặt câu hỏi liệu Tân Hoàng Minh có đủ khả năng xoay xở nguồn tài chính lớn để tiếp tục xây dựng dự án siêu cao cấp này hay không? Bởi thời gian qua, việc kinh doanh bán nhà siêu sang của Tân Hoàng Minh gặp khó khăn, đầu tư dàn trải nhiều dự án cùng lúc, ngân hàng siết chặt cho vay đã khiến công ty rơi vào tình trạng căng thẳng tài chính. Cùng với đó là dự án 22-24 Hàng Bài không được phép xây cao tầng, để bán chung cư thu tiền như dự tính ban đầu nên tập đoàn khó có cửa huy động vốn sớm nên tiếp tục để không dự án "đất kim cương".