Triển khai Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường type 1 ở trẻ em

25/06/2024 16:12

Ngày 24/6, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế tập huấn triển khai Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường type 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Hướng dẫn được xây dựng công phu, cập nhật dựa trên các tài liệu trong nước và quốc tế, tập trung vào thực hành lâm sàng chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường type 1, hữu ích cho các thầy thuốc đa khoa, chuyên khoa trong hành nghề khám, chữa bệnh hàng ngày. Hướng dẫn nhằm mục tiêu phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị kịp thời, kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường type 1 ở trẻ em. Trong đó, giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho trẻ em và gia đình đang phải sống cùng bệnh đái tháo đường type 1, qua đó giúp trẻ có một cuộc sống mạnh khỏe lâu dài.

Tài liệu hướng dẫn cũng đánh dấu sự hợp tác của các chuyên gia về nội tiết và nhi khoa có kinh nghiệm lâm sàng, giảng dạy tại Việt Nam, là Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam và Hội Nhi khoa Việt Nam.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường type 1 ở trẻ em
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường type 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên - https://suckhoeviet.org.vn/.

Theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa, đái tháo đường type 1 chiếm 90% bệnh đái tháo đường ở trẻ em. Ở Việt Nam, hiện chưa có dữ liệu đầy đủ về dịch tễ của đái tháo đường type 1 ở trẻ em. Dữ liệu từ các bệnh viện tuyến cuối về trẻ em cho thấy có khoảng gần 2.000 trẻ được chẩn đoán đái tháo đường type 1 và có xu hướng gia tăng trong cả nước từ 7 năm gần đây.

Khi đã phát hiện bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị. Giai đoạn đầu, trẻ được điều trị theo phác đồ tính toán liều insulin. Khi đã điều trị ổn định, trẻ có thể được điều trị, theo dõi tại nhà. Ngoài điều trị insulin thì chế độ dinh dưỡng, vận động cũng rất quan trọng trong việc điều trị đái tháo đường type 1 ở trẻ.

Một năm trước, chương trình chăm sóc bệnh đái tháo đường type 1 (CDiC) tại Việt Nam đã tặng cho 520 trẻ em mắc bệnh bộ dụng cụ đo đường huyết cá nhân và thiết bị tiêu hao; 1.063 nhân viên y tế được tham gia khóa học cơ bản và nâng cao về bệnh lý đái tháo đường...

Theo ông Trần Minh Điển, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện nhi Trung ương, trong năm 2024, Hội hướng tới hỗ trợ hàng nghìn người dưới 25 tuổi đang chung sống cùng đái tháo đường type 1. Ông kêu gọi các bệnh viện trên cả nước đang quản lý bệnh nhân đái tháo đường type 1 hãy chủ động liên hệ chương trình CDiC để bệnh nhân được nhận hỗ trợ, nhân viên y tế được tham gia vào các khóa đào tạo.

Cùng ngày, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và Cục Quản lý khám chữa bệnh đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nâng cao năng lực y tế giai đoạn 2024 - 2026. Theo đó, hai bên cùng nhau tập trung vào các sáng kiến chiến lược không giới hạn, tận dụng chuyên môn và kinh nghiệm tập thể để giải quyết các vấn đề y tế cấp bách. Trọng tâm của hợp tác là tiếp tục ngăn chặn và đẩy lùi các bệnh không lây nhiễm, vì sức khỏe cộng đồng Việt Nam.

Phía Đan Mạch sẽ tạo điều kiện cho việc trao đổi kiến thức; tăng cường đào tạo y tế, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh đái tháo đường và béo phì; xây dựng, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn về y tế và giải quyết khoảng trống trong điều trị của ngành y tế.

Đái tháo đường type 1 (đái tháo đường phụ thuộc insulin) chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ insulin. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng insulin thì mới có cơ hội sống.

Những dấu hiệu khi trẻ mắc đái tháo đường là tiểu nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân, thiếu năng lượng hay luôn cảm thấy mệt mỏi, khát nhiều. Nếu không được phát hiện, điều trị sớm, tình trạng bệnh có thể tiến triển nặng, nhiễm toan, đe dọa tính mạng.

Ngọc Trang (T/H)