Tìm ra nguyên nhân vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai

08/05/2024 10:38

Chiều 7/5, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Võ Thị Ngọc Lắm cho biết, đã có kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm trong vụ ngộ độc bánh mì ở TP Long Khánh.

Theo đó, đa phần các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, mẫu nguyên liệu thực phẩm lấy từ tiệm bánh mì bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Ngoài ra, một số mẫu phẩm khác nhiễm khuẩn E.coli.

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) vừa thông báo trong mẫu phẩm phân của bệnh nhi P.H.M. (14 tuổi) cho kết quả có vi khuẩn Salmonella.

Tìm ra nguyên nhân vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai
Thăm khám cho bệnh nhân trong vụ ngộ độc.

Trước đó ngày 5/5, bác sĩ Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho biết, kết quả xét nghiệm máu của ba bệnh nhi chuyển nặng điều trị tại Đồng Nai cho thấy các em bị nhiễm khuẩn E.coli. Đây là vi khuẩn thường xuất hiện trong sản phẩm tươi sống, thịt bò, sữa tươi, nước trái cây, phô mai, trái cây và rau sống...

Khuẩn E.coli lây nhiễm ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ nhỏ, người già dễ trở nặng và gặp biến chứng nghiêm trọng như hội chứng tán huyết ure. Hội chứng này khiến các tế bào hồng cầu bị tổn thương gây suy thận.

Ngày 30/4, cửa hàng bánh mì Băng, ở đường Trần Quang Diệu, phường Xuân Bình, TP Long Khánh, bán ra 1.100 ổ bánh mì. Đến ngày 1/5, những người ăn bánh mì có dấu hiệu ngộ độc như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn..., nhập viện cấp cứu, chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, nghi ngộ độc thực phẩm.

Chủ cửa hàng bánh mì Băng cho biết mua nguyên liệu, thực phẩm ở các cửa hàng nhỏ lẻ rồi về tự chế biến tại nhà. Trong đó pate tự làm (gan heo, thịt mỡ), dưa muối chua tự làm (cà rốt, củ cải trắng), nước sốt tự làm (gồm nước hầm thịt heo, hạt nêm, bột ngọt, nước tương).

Hiện cơ sở này đã bị ngưng hoạt động. Đến ngày 7/5, có 568 ca nhập viện thăm khám, điều trị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Băng.

Vi khuẩn Samonella có trong thực phẩm, nguồn nước ô nhiễm. Thời gian ủ bệnh khi nhiễm Salmonella là từ 6 - 72 giờ sau khi ăn, thông thường từ 18 - 36 giờ sẽ xuất hiện các triệu chứng như: Đau quặn bụng, tiêu chảy, ớn lạnh, sốt. Một số ít người còn bị buồn nôn, ói mửa.

L.Anh (t/h)
Bạn đang đọc bài viết "Tìm ra nguyên nhân vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai" tại chuyên mục SỨC KHỎE.