Thực hiện Nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Vai trò, phẩm cách người đứng đầu là nhân tố quyết định

20/08/2022 08:46

Ở hầu hết các vụ án hình sự về tham nhũng trong mấy chục năm qua, nguyên nhân chủ yếu xảy ra đều liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, hoặc là chủ trương, chủ mưu hoặc là trực tiếp chỉ đạo, “nhúng chàm” vào để xảy ra vụ việc. Vi phạm, sai phạm nghiêm trọng của người đứng đầu thường kéo theo hàng loạt bị can, bị cáo đều là những cán bộ chủ chốt cấp dưới dắt dây nhau “vào lò”…

“Tinh hoa của thể chế, rường cột của quốc gia”

Người đứng đầu của tổ chức Đảng, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là tổ chức) là người ở vị trí đầu tiên, vị trí cao nhất trong thứ bậc quyền lực, đứng đầu trong đội hình, đội ngũ mang tính pháp lí hoặc không pháp lí nhưng khẳng định là người có vị trí cao nhất.

Thông thường, người đứng đầu hoàn hảo có tính pháp lí, có khả năng vượt trội về năng lực, phẩm chất, đạo đức, uy tín, phong cách… trong tổ chức. Đó là người có quyền lực cao nhất, có trách nhiệm, nghĩa vụ gánh vác lớn lao, nặng nề nhất trong mọi lĩnh vực hoạt động của tổ chức. Người đứng đầu cũng đồng thời đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và chức năng quản lí, có nghĩa là “hai vai gánh vác một sơn hà”.

Lãnh đạo là xác định nhiệm vụ, chọn việc đúng để làm, có tầm nhìn hướng tới tương lai, có khả năng truyền cảm hứng cho cấp dưới và quần chúng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Quản lí là biết lập kế hoạch, ngân sách, tổ chức triển khai nhiệm vụ, sáng tạo, năng động, xây dựng biên chế bộ máy hợp lí, kiểm soát chặt chẽ và giải quyết công việc linh hoạt, chuẩn xác. Quản lí có nghĩa là làm đúng mọi việc.

Người đứng đầu là một nhân tố quan trọng nhất, quyết định thành công, hay thất bại của công việc. Những người đó, chức vụ càng cao, nhiệm vụ càng to, trách nhiệm càng lớn. Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, người đứng đầu mà “nhúng chàm” thì không còn uy tín, kéo theo “đội hình” cấp dưới, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại về tài sản nhà nước và mất cán bộ…  

Người đứng đầu là thiết chế giữa vị trí pháp lí cao nhất trong tổ chức thực hiện vai trò lãnh đạo và chức năng quản lí. Trong cơ quan hành chính nhà nước, người đứng đầu là một định chế pháp lí, xác định vị trí công tác cao nhất, là cá nhân có quyền lực nhất trong bộ máy. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, các thành viên của hệ thống chính trị giữ vị thế, vai trò tiên phong hết sức căn bản và quan trọng đối vớí việc khẳng định vị thế, vai trò, uy tín của Đảng, sự điều hành, quản lí nhà nước và sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị.

Người đứng đầu được coi là “tinh hoa của thể chế, là rường cột của quốc gia”. Vì thế, cần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp xứng tầm sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế.

Phát biểu khai mục Hội nghị Trung ương IV khoá XIII ngày 4/10/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tập trung ưu tiên các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” là yêu cầu cấp bách.

null
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Họp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, sáng 17/8.

Một “bộ phận không nhỏ” người đứng đầu tha hoá

Trong 10 năm (2012-2022) đã thi hành kỉ luật 7.390 cán bộ, đảng viên do tham nhũng, trong đó có 33 Uỷ viên Trung ương, cựu Uỷ viên Trung ương, 50 tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang nhân dân. Ngành Toà án xét xử 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo. Hàng nghìn tội phạm từng đóng vai “người đứng đầu” các cấp, kể cả Uỷ viên Bộ Chính trị, nhiều Uỷ viên Trung ương là Bộ trưởng, cựu Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh uỷ, nhiều Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, Thứ trưởng, Giám đốc sở, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc doanh nghiệp, tướng lĩnh trong Quân đội, Công an…

Những nhân vật thuộc “một bộ phận không nhỏ” này có quyền lực trong đảng, bộ máy quản lí nhà nước, hiểu biết pháp luật, thậm chí tham gia làm luật, xây dựng chính sách nhưng lại làm trái pháp luật, làm sai chính sách. Số người này cũng thường xuyên đứng trên bục giảng về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước, kêu gọi và phát động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ra sức thực hành “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, tận tuỵ phục vụ Nhân dân, không lợi dụng chức quyền tham ô, tham nhũng, lãng phí…

Thế nhưng…

Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ, từng tham gia ban hành Nghị quyết số 26 về doanh nghiệp nhà nước không đầu tư ngoài ngành nhưng lại chỉ đạo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa kí văn bản yêu cầu Tổng công ty Rượu-Bia-Nước giải khát (Sabico) phải tìm đối tác kinh doanh, đồng ý chuyển quyền sử dụng đất số 2-4-6  Hai Bà Trưng (TP Hồ Chí Minh) cho tư nhân gây thiệt hại 2.700 tỉ đồng; duyệt giá cổ phần (khi cổ phần hoá doanh nghiệp) thấp hơn nhiều giá thực tế tại thời điểm thoái vốn, gây thiệt hại 269 tỉ đồng để rồi lĩnh án 10 năm tù.

Cựu Uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng liên quan tới 4 vụ án tham nhũng. Khi làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, biết rõ Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) do Trịnh Xuân Thanh đứng đầu không có năng lực thực hiện vẫn giao dự án Ethanol Phú Thọ gây thiệt hại 543 tỉ đồng; chỉ căn cứ vào báo cáo của PVC và PVPower để quyết định phê duyệt cho PVC làm tổng thầu dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 trái với chỉ đạo của Chính phủ, gây thiệt hại rất lớn.

Ông Đinh La Thăng còn đầu tư vào ngân hàng Oceanbank 800 tỉ đồng để rồi mất trắng. Khi làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải kí quyết định cho Đinh Ngọc Huệ (Út Trọc) mua quyền thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương gây thất thoát 725 tỉ đồng. Với tư cách là người đứng đầu trách nhiệm cao nhất, qua 4 vụ án ông Đinh La Thăng phải lĩnh mức án 30 năm tù giam.

Hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Tuyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trọng vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG thông qua kí quyết định đầu tư nhóm A (thuộc quyền hạn của Thủ tướng). Ông Nguyễn Bắc Son chịu án tù chung thân, ông Trương Minh Tuấn bị kết án 14 năm tù về tội làm trái và nhận hối lộ, nhiều cán bộ cao cấp khác “vào lò” theo.

Gần đây, trong thời gian phòng, chống đại dịch COVID-19, lại xảy ra vụ án Công ty Việt Á “lũng đoạn Nhà nước” trong việc mua bán kit, test xét nghiệm, thiết bị y tế, hai “thượng thư” là Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội) đã “nhúng chàm” rất tồi tệ, kéo theo hệ luỵ là một dàn cán bộ cao cấp ngành y tế, khoa học & công nghệ, Học viện Quân y bị khởi tố bị can…

Ở rất nhiều địa phương, tình trạng người đứng đầu làm trái các quy định của Nhà nước, vi phạm pháp luật đến mức phải xử lí kỉ luật, xử lí hình sự khá phổ biến. Thành phố Đà Nẵng, hai cựu Chủ tịch UBND Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến ngang nhiên bán nhiều nhà đất công sở cho tư nhân, chủ yếu cho Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), một số khác cho Công ty TNHH Minh Hưng Phát và Công ty đầu tư Nhất Gia Phúc theo phương thức ban đầu cho thuê, ngay sau đó làm thủ tục bán mà không đấu giá, trái với quy định của luật Đất đai và Nghị định 181 của Chính phủ. Ông Trần Văn Minh chịu phạt tù 17 năm, còn ông Văn Hữu Chiến lĩnh án 12 năm tù giam.

Tại Khánh Hoà, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng vi phạm nghiêm trọng về quản lí đất đai tại một số địa chỉ: Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự; biệt thư Sông núi Vĩnh Trung thuộc khu vực núi Chín Khúc (TP Nha Trang); tuỳ tiện chuyển rất lớn diện tích đất rừng sản xuất sang mục đích đất ở; vi phạm nghiêm trọng trong việc giao đất, cấp sổ đỏ khi chưa xác định mức thu tiền sử dụng đất, mặt nước biển, điển hình là dự án Nha Trang Golden của Công ty Đỉnh Vàng… Ông Nguyễn Chiến Thắng phải lĩnh án tù 5,5 năm.

Cựu Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam (từ ngày 15/8/2022 cùng 27 bị cáo khác ra hầu toà), trong đó có cựu Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND Phạm Văn Cảnh; cựu Chủ tịch UBND tình Trần Thanh Liêm… làm trái trong việc cấp (không đấu giá) 43ha đất của Tổng Công ty 3-2 (doanh nghiệp của Tỉnh uỷ), sau đó chuyển nhượng cho công ty tư nhân gây thiệt hại 761 tỉ đồng; kí giao 14 ha cho Tổng công ty 3-2 và chủ trương cùng bị can Nguyễn Văn Minh  đầu tư 30% vốn góp vào công ty tư nhân gây thất thoát 948 tỉ đồng. Việc giao đất không đấu giá sử dụng 145 ha đất ở Bình Dương đã gây thất thoát tài nhà nước lên tới 4.030 tỉ đồng.

Còn tại tỉnh Bình Thuận trong 30 năm qua, 6 đời Chủ tịch UBND tỉnh kế vị nhau thì cả 6 ông đều bị kỉ luật, hoặc bị xử lí hình sự. Điển hình là trước đây để huỷ hoại rừng Tánh Linh; thực hiện quy hoạch đất đai, quy hoạch đô thị, thu hồi đất, cấp đất vi phạm nghiêm trọng ở nhiều dự án. Hai cựu Bí thư Tỉnh uỷ Huỳnh Văn Tý, Nguyễn Mạnh Hùng, hai cựu Chủ tịch UBND Lê Tiến Phương, Nguyễn Ngọc Hai đều vi phạm trong việc chủ trương “mở đường” để xây dựng quy hoạch chi tiết chuyển đổi sân golf Phan Thiết thành khu đô thị du lịch biến của Tập đoàn Rạng Đông, không đấu giá quyền dụng đất; Quyết định giao mặt biển cho Công ty Cố phần đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải làm dự án lấn biển; sắp xếp lại dân cư phường Đức Long (Phan Thiết) trái quy định. Riêng dự án Tân Việt Phát 2 ở Mũi Né gây thất thoát 71.395.975.000 đồng…

Vừa qua cơ quan Cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với hai cựu Chủ tịch UBND tỉnh là Nguyễn Ngọc Hai, Lương Văn Hải cùng một số cán bộ khác.

Hàng loạt người đứng đầu trong lực lượng Quân đội, Công an cũng “nhúng chàm” không kém các quan chức nhà nước. Đã có tởi 50 sĩ quan từ Thiếu tướng đến Thượng tướng bị kỉ luật (từ cảnh cáo đến khai trừ đảng, cách tất cả các chức vụ) hoặc bị truy tố về tội “thiếu tránh nhiệm trong thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng”, phổ biến là sai phạm về quản lí đất đai, tham ô, xâm hại an ninh quốc gia… như đối với các Thượng tướng Nguyễn văn Hiến, cựu Đô đốc - Tư lệnh Hải quân bị tù 4 năm; Thượng tướng Trần Việt Tân, Thứ trưởng Bộ Công an bị kết án tù 3 năm; Trung tướng Bùi Văn Thành bị kết án tù 2 năm 6 tháng và cả hai bị tước danh hiệu CAND vì liên quan đến Vũ Nhôm; Thượng tướng Phương Minh Hoà, Chinh uỷ và Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Tư lệnh Quân chủng PKKQ bị cảnh cáo.

Ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển, người đứng đầu là Trung tưởng Nguyễn Văn Sơn vi phạm pháp luật kéo theo 8 tính lĩnh khác đồng phạm, đã khởi tố bắt tạm giam 5 tưởng. Tại Học viện Quân y, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện và một số tướng tá sai phạm trong vụ kết hợp Công ty Việt Á nghiên cứu, sản xuất kít xét nghiệm Covid-19. Ở Bộ Công an, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cánh sát và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hoá, Cục trưởng C-50 tiếp tay cho bọn tội phạm tổ chức đánh bạc công nghệ cao…

Có một điều người dân dễ nhìn thấy là những ông quan có chức có quyền, nhất là những người đứng đầu thì ai cũng giàu có, thậm chí cực kì giàu có, bề ngoài là biệt thự, nhà lầu lộng lẫy, nội thất nhìn hoa mắt, các bà vợ, con cái hết sức phong lưu, sung sướng, kể cả trong khi và sau khi “người đứng đầu” phải đi tù…

Kim Quốc Hoa