Như đã thông tin, ngày 27/11, Sở TN&MT tỉnh Thái Bình có Công văn số 3091/STNMT-TTr trả lời Tạp chí Kinh tế Môi trường về việc Công ty Cổ phần Febecom (KCN Phúc Khánh, phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường. Trong công văn nêu rõ việc Công ty Febecom phải dừng hoạt động, nghiêm túc chấp hành khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường… Nếu công ty cố tình tái diễn vi phạm sẽ kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế, những ngày qua, công ty này tiếp tục tái hoạt động. Đêm ngày 3/12, người dân tập trung rất đông tại cổng nhà máy để phản đối công ty này hoạt động. Nhận được thông tin, PV đã nhắn tin thông báo cho ông Nguyễn Kiên Cường – Chánh Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Thái Bình.
Chiều ngày 4/12, ông Nguyễn Kiên Cường cùng các cán bộ của Sở TN&MT, chính quyền TP. Thái Bình, BQL Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường, UBND phường Phú Khánh, đại diện Công ty CP Febecom tiến hành tổ chức buổi làm việc để làm rõ vấn đề chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của Công ty CP Febecom.
Qua kiểm tra hiện trạng, Công ty Febecom chưa khắc phục triệt để các vi phạm về đất đai, bảo vệ môi trường theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Bình tại Văn bản số 2714/UBND-NNTNMT ngày 31/7/2018 và yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.
Công ty đã thay đổi công nghệ xử lý khí thải, công ty đang hoạt động nồi hơi của hệ thống sấy khô đậu tương, đường ống khói đặt gần cổng ra vào, cao 35 m. Hệ thống này chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Đại diện công ty cho rằng không có nhu cầu sử dụng đến thiết bị này và cam kết tháo dỡ trong tháng 12/2020. Tuy nhiên trên thực tế thì đây chính là điểm phát sinh khí thải, gây ô nhiễm môi trường do người dân phản ánh.
Trong quá trình làm việc, cơ quan chức năng phát hiện Công ty Febecom lắp đặt máy móc, thiết bị để sản xuất rượu thương phẩm. Các thiết bị này bao gồm 1 nồi cơm công nghiệp 40 kg gạo/mẻ, 1 tháp chưng cất rượu công suất 50 lít/lần nấu, 5 téc inox dung tích mỗi chiếc là 1.500 lít dùng để ủ men, 16 thùng nhựa 200 lít để ủ men.
Trước hành vi này, BQL Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình cho rằng, việc công ty tự ý sản xuất rượu thương phẩm mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép là không đúng mục tiêu đầu tư. Đề nghị công ty phải di dời, tháo dỡ các công trình tự ý xây dựng, dừng ngay hoạt động sản xuất rượu không phép. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm hành vi vi phạm của công ty.
Ý kiến chung của đoàn kiểm tra vẫn là yêu cầu Công ty Febecom dừng ngay hoạt động sản xuất; Công ty chỉ được phép hoạt động khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép…; Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường… Nhưng khi đoàn làm việc về chưa được bao lâu thì công ty lại mở máy hoạt động và người dân lại tập trung trước cổng nhà máy để phản đối.
Việc Công ty Febecom hoạt động trái phép, xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực là rõ ràng. Ngoài ra, công ty này còn không tuân thủ các quy định, chỉ đạo của các ban, ngành tỉnh Thái Bình. Hiện tại, người dân đang mong chờ các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình xử lý nghiêm, dứt điểm sự việc này để ổn định môi trường và đời sống.