ROS bị hủy niêm yết: Nhà đầu tư có thành “tay trắng”?

29/08/2022 09:01

Việc cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng FLC Faros bị hủy niêm yết bắt buộc khiến khá nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo lắng, rằng “số phận” số cổ phiếu họ đang nắm giữ sẽ ra sao?

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh cho biết đã có quyết định về việc hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng FLC Faros.

Theo đó, từ ngày 5/9, toàn bộ hơn 567 triệu cổ phiếu ROS sẽ không còn giá trị trên sàn giao dịch. Đây là lần đầu tiên một cổ phiếu từng nằm trong danh mục VN30, từng vào danh mục khi có ảnh hưởng lớn tới chỉ số thị trường bị hủy niêm yết bắt buộc.

null
Toàn bộ hơn 567 triệu cổ phiếu ROS sẽ bị ngừng giao dịch từ ngày 5/9.

Việc cổ phiếu ROS bị hủy niêm yết bắt buộc khiến khá nhiều nhà đầu tư tỏ ra băn khoăn lo lắng, rằng số phận cổ phiếu họ đang nắm giữ sẽ ra sao?

Theo các chuyên gia, một mã cổ phiếu bị Sở Giao dịch Chứng khoán yêu cầu hủy niêm yết thường xảy ra khi kết quả kinh doanh yếu kém hoặc thông tin tài chính không được công bố đầy đủ, minh bạch.

Lúc này thông thường có 2 hình thức để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Hoặc công ty phải bỏ tiền ra mua lại số cổ phiếu này. Hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ yêu cầu chuyển cổ phiếu đó lên sàn giao dịch không chính thức hoặc thứ cấp. Nhà đầu tư có thể tiếp tục bán cổ phiếu. Nhưng với trường hợp của ROS thì cả 2 hình thức này đều khó khả thi.

"Vấn đề của ROS là rất trầm trọng. ROS hiện tại chưa có đại diện pháp luật và chưa có đơn vị kiểm toán chấp thuận, chưa tổ chức đại hội cổ đông và chưa công bố báo cáo tài chính. Khi chiếu theo quy chế giao dịch của sàn upcom, ROS vẫn thuộc dạng đình chỉ giao dịch. Toàn bộ giao dịch của các cổ đông không được thực hiện giao dịch trên sàn nữa.

Đến thời điểm này khi nhận quyết dịnh hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 5/9 gần như các cổ đông không có một biện pháp nào khác để bảo vệ tài sản của mình", ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP chứng khoán Kiến Thiết cho hay.

Hiện nay, hoạt động hủy niêm yết chứng khoán với những trường hợp kết quả kinh doanh yếu kém hoặc thông tin tài chính không minh bạch sẽ liên tục được rà soát định kỳ. Mục tiêu là nhằm thanh lọc thị trường chứng khoán, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

ROS từng có hơn 3 năm "yên vị" trong nhóm cổ phiếu hàng đầu trên thị trường cả về giá trị vốn hóa và thanh khoản. Từ giá chào sàn chỉ từ 10.000 đồng/cổ phiếu đã tăng gấp 17 lần chỉ trong 1 năm. Mức đỉnh lịch sử lên tới hơn 200.000 đồng/cổ phiếu nhưng tới ngày cuối trước khi bị đình chỉ giao dịch, giá không tới 3.000 đồng/cổ phiếu. Một hành trình từ đỉnh cao tới vực sâu.

Nhận định về phiên giao dịch đầu tuần, các công ty chứng khoán cho rằng nhà đầu tư nên cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.

Theo nhìn nhận của Công ty CK Tân Việt (TVSI), diễn biến giảm điểm phiên cuối tuần trước là khá bình thường, khi các chỉ số tiếp cận gần vùng kháng cự và kỳ nghỉ Lễ đang tới gần.

Hơn nữa, các chỉ số đã có ba phiên tăng liên tiếp với mức tăng tốt nên có áp lực điều chỉnh lại là điều dễ hiểu.

Mặc dù điểm số tăng tốt trong tuần qua, nhưng số lượng cổ phiếu mang lại lợi nhuận không nhiều với mức lợi nhuận mỏng. Trong khi đó, số lượng cổ phiếu đi ngang hoặc gây thua lỗ nhẹ vẫn chiếm đa số.

“Do đó, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm đây là sóng hồi phục với vùng mục tiêu của VN-Index ở 1.315 điểm và đánh giá các chỉ số đang tiến về vùng rủi ro.

Chiến lược hợp lý với nhà đầu tư ngắn hạn nên là ưu tiên giảm tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số sát vùng kháng cự” – TVS khuyến cáo.

Tương tự, Công ty CK Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng nhà đầu tư cân nhắc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.

Hiện tại, vùng 1.280 điểm của VN-Index có thể sẽ có động thái hỗ trợ cho thị trường và giúp thị trường có nhịp hồi để kiểm tra cung cầu. Tuy nhiên, dự kiến áp lực cung tại vùng 1.290-1.300 điểm vẫn còn mạnh.

Do vậy, theo CDSC, nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng và hạn chế vị thế mua. Đồng thời, nên cân nhắc tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro, do áp lực từ vùng cản đối với thị trường vẫn đang hiện hữu.

Quỳnh Chi