Phòng các bệnh về da khi mùa mưa đến

12/06/2024 16:39

Trong mùa mưa, khí hậu ẩm thấp kèm với ngập trũng ở nhiều nơi là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, virus sinh sôi, tạo điều kiện cho bệnh nấm phát sinh trên da.

Vào mùa mưa, không khí ẩm, quần áo phơi lâu khô, người dân phải đi lại, sinh hoạt trên những khu vực ngập nước bẩn, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nấm phát sinh như nấm kẽ, nấm móng, lang ben, nấm hắc lào.

Cẩn trọng các bệnh về da khi mùa mưa đến
Ảnh minh họa - https://suckhoeviet.org.vn/.

Nấm là loại sinh vật sống ký sinh vào vật chủ như: thú vật, thực vật, con người... phát triển tốt ở nhiệt độ nóng ẩm (27 - 35 độ C). Mùa mưa là mùa ghi nhận nhiều ca mắc nấm da nhất trong năm. Trong đó, một số bệnh nấm da thường gặp là:

Lang ben

Lang ben có hai dạng màu trắng và màu đen, gây ngứa nhiều, đặc biệt khi ra nắng và đổ nhiều mồ hôi. Bệnh không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ bởi các mảng da sáng màu. Bệnh có thể chữa được nhưng nguy cơ tái phát rất cao, đặc biệt trong mùa mưa ẩm.

Lang ben lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc hoặc dùng chung vật dụng cá nhân như quần áo, khăn tắm, chăn màn...

Khi bị mắc bệnh, người bệnh sẽ xuất hiện các dát hình tròn hay hình bầu dục, bên trên có vảy da mỏng, tăng dần về số lượng và kích thước; mảng da có màu khác so với vị trí xung quanh, có thể màu trắng, hồng hoặc nâu. Da ngứa khi ra nắng hoặc đổ mồ hôi.

Bệnh tập trung ở nhóm thanh thiếu niên 15 - 25 tuổi, xuất hiện nhiều ở lưng, ngực, cổ và mặt trong cánh tay.

Nấm hắc lào

Bệnh nhân nhiễm nấm hắc lào đặc trưng là ngứa vùng bị bệnh, biểu hiện vùng da có vệt màu hơi đỏ, có viền và bờ rõ rệt, trên viền có các mụn nước lấm tấm. Viền nấm có xu hướng ngày càng lan rộng tạo thành nhiều hình vòng cung nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Khi người bệnh ngứa, gãi sẽ làm lây lan ra nhiều vùng hắc lào trên cơ thể mình. Bệnh có thể lây lan qua tiếp xúc như từ thú vật (đặc biệt là thú cưng như chó, mèo), đồ dùng chung như khăn lau, chăn, gối, quần áo... Vì vậy, cần sử dụng riêng đồ cá nhân để hạn chế lây lan.

Nấm kẽ

Nấm kẽ thường gặp ở người làm các công việc tiếp xúc với nước nhiều như làm vệ sinh cống rãnh, làm nông, buôn bán thủy sản... Đặc biệt vào mùa mưa, khi phải tiếp xúc với nước bẩn ngập trên đường cũng tăng nguy cơ nhiễm nấm kẽ.

Viêm kẽ ngón chân hay nấm da chân (dân gian gọi là bệnh nước ăn chân) là bệnh do loại nấm Epidermophyton - floccosum gây ra. Khi môi trường ẩm ướt, nấm rất dễ sinh sôi và gây bệnh về da.

Để phòng ngừa nấm kẽ, nên để chân trần để thoát khí khi ở nhà hay đi ngủ; lau khô các kẽ ngón chân sau khi tắm; thay tất thường xuyên, nếu chân ra nhiều mồ hôi thì nên thay hai lần một ngày; giảm độ ẩm trên bàn chân và giày dép để phòng tái phát. Lựa chọn giày dép có tính thấm. Đi giày nhẹ thông thoáng, tránh đi giày làm bằng chất liệu tổng hợp, chẳng hạn như nhựa vinyl hoặc cao su. Đi tất mở ngón chân hoặc thay đổi tất, nhất là trong điều kiện thời tiết nóng ẩm.

Nấm móng

Nấm móng thường xuất hiện ở bờ tự do của móng hay ở hai bên cạnh của móng. Khi bị bệnh, móng sẽ mất màu bóng, bị đẩy nhô lên hoặc khuyết vào, mặt móng lỗ chỗ hoặc thành rãnh, dưới rãnh có chất bột vụn. Móng của người bệnh càng ngày càng bị sần sùi, màu vàng hoặc đục. Bệnh có thể lây từ móng này sang móng khác.

Bệnh nấm móng tay, chân ở giai đoạn đầu tuy không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, nhưng ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ. Ở giai đoạn này người bệnh không có cảm giác nhưng giai đoạn sau sẽ gây một số triệu chứng như đau nhức, khó chịu khi cầm nắm, đi giày dép, ảnh hưởng tới sinh hoạt.

Theo các bác sĩ, bào tử nấm móng không chỉ có nguy cơ gây hại ở các vùng da tiếp xúc ở vùng móng, da người mà chúng còn có nguy cơ lây lan và phát triển mạnh, ban đầu nấm móng chỉ xuất hiên ở 1 ngón tay, chân nhưng nếu không kịp thời hỗ trợ điều trị chúng sẽ lan nhanh ra các ngón khác và bàn tay, sau đó tấn công và ăn sâu vào thịt dưới móng và phá hủy toàn bộ các tế bào dưới móng, tế bào quanh da khu vực viền móng.

Bệnh nấm móng phát triển mạnh có thể gây khó khăn trong việc điều trị và ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.

Do đó, để phòng ngừa nhiễm nấm, người dân cần chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, giữ môi trường sống khô ráo, thoáng mát. Nên chuẩn bị một đôi giày thay đổi luân phiên khi đi mưa. Sau khi lội nước bẩn, cần vệ sinh tay chân với xà phòng và nước sạch, lau khô thoáng.

Khi phát hiện vùng da bị ngứa và xuất hiện các dấu hiệu nêu trên, cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có thuốc bôi phù hợp, tránh để lan sang vùng da khác trên cơ thể.

 

Nhã An (T/H)
Bạn đang đọc bài viết "Phòng các bệnh về da khi mùa mưa đến" tại chuyên mục SỨC KHỎE.