Thời gian gần đây, người dân sống trên địa bàn xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, phản ánh việc mùi phân lợn hôi thối nồng nặc, bốc ra từ trang trại chăn nuôi lợn kỹ thuật cao của Công ty TNHH MNS Farm Nghệ An (thuộc Tập đoàn Masan) đóng trên địa bàn xã. Không ít người dân phản ánh, mùi hôi thối này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và không gian sống của họ.
Những ngày cuối tháng 5, phóng viên Kinh tế Môi trường có mặt tại khu trang trại nuôi lợn của Masan, ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí do mùi phân lợn rất hôi thối nồng nặc, mỗi khi có gió thổi là mùi hôi lại nặng hơn. Một số gia đình luôn trong tình trạng đóng cửa để hạn chế mùi hôi bay vào nhà.
Theo chị Hùng Tuyết, trú ở thôn Xuân Sơn, xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, mùi hôi thối bốc ra khắp khu vực có người dân sinh sống suốt cả ngày, nhưng mùi nồng nặc nhất là vào buổi sáng và đêm khuya. “Chúng tôi đã nhiều lần ý kiến đến chính quyền địa phương rồi, nhưng đến nay tình trạng hôi thối này vẫn không bớt. Ngoài mùi của phân lợn, lâu lâu còn thấy mùi hắc như của hóa chất”, chị Tuyết nói.
Cùng chung nỗi ám ảnh về mùi hôi thối của trang trại lợn, ông Cường (cùng trú tại xã Hạ Sơn) cho hay, phía trang trại có lập phòng cộng đồng để tiếp thu ý kiến người dân, song dường như mọi phản ánh đều rơi vào im lặng, tình trạng hôi thối vẫn không có sự cải thiện đáng kể. Những thôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mùi hôi là thôn Minh Hồ, Minh Kính, xã Hạ Sơn.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế Môi trường, ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Hạ Sơn cho biết, tình trạng này xuất hiện từ năm 2018. Thời điểm đó phía chủ trang trại lợn vẫn chưa hoàn thiện các khâu xử lý chất thải, người dân không thể chịu được nên xã cũng đã nhiều lần ý kiến lên cấp trên. Tuy nhiên, đến nay tình trạng hôi thối này có giảm hơn nhưng không thể triệt để.
“Tôi đang ngủ ban đêm mà phải tỉnh dậy. Giờ có văn phòng cộng đồng đi cập nhật để lấy ý kiến người dân mỗi ngày. Cứ hôi thối không chịu được, người dân lại ý kiến với phòng cộng đồng”, ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, nguyện vọng của địa phương lúc này là yêu cầu trả lại môi trường trong lành cho người dân. Song, phía doanh nghiệp xin thời gian để khắc phục dần dần.
Trong khi đó, ông Lê Sỹ Hào, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trượng huyện Quỳ Hợp lại cho rằng, đến nay không còn mùi hôi thối từ trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH MNS Farm Nghệ An. “Chúng tôi đã giao cho xã, nếu có vấn đề về môi trường thì xã Hạ Sơn phải báo cáo bằng văn bản cho huyện, nhưng đến nay phía huyện vẫn không thấy văn bản nào”, ông Hào nói.
Theo ông Hào, trước đó tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo, nếu doanh nghiệp không thực hiện thì sẽ xử lý nghiêm. vấn đề này thì xã phải báo cáo cho huyện, chứ huyện không thể nằm vùng ở xã Hạ Sơn thường xuyên được.
Liên quan đến việc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân từ trang trại chăn nuôi, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (nguyên Vụ trưởng Vụ Môi trường, thuộc Bộ TN&MT) cho biết, những đơn vị chăn nuôi bắt buộc phải đảm bảo có khoảng cách với khu dân cư theo quy định của pháp luật. Hiện nay, những đơn vị này thường xuyên phải đảm bảo xử lý chất thải bằng cách gom toàn bộ chất thải về biogas (chuyển thành khí sinh học) để không gây ô nhiễm môi trường và hạn chế mùi hôi.
“Còn việc xuất hiện mùi hôi giống chất hóa học là do các trại chăn nuôi mỗi khi xuất lứa (xuất giống lợn con) thì phải sục rửa làm sạch để đảm bảo giống tốt, không gây ô nhiễm cho lứa mới. Song, trong lúc vệ sinh sẽ phải sử dụng hóa chất tẩy rửa nên có thể bốc mùi ra xung quanh”, PGS.TS Mạnh Tiến nói.
Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, khi những đơn vị chăn nuôi lắp đặt hệ thống biogas sẽ có nhiều lợi ích thiết thực, giúp tiết kiệm tái tạo năng lượng, chuyển đổi thành điện năng, lúc đó phân tươi sẽ không còn mùi hôi nữa mà thành phân vi sinh làm phân bón cũng rất tốt trong trồng trọt.
Trang trại chăn nuôi lợn kỹ thuật cao của Công ty TNHH MNS Farm Nghệ An (thuộc Tập đoàn Masan) đóng trên địa bàn xã Hạ Sơn (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) được khởi công xây dựng từ ngày 5/11/2016, hoạt động chăn nuôi từ 24/12/2017, trên diện tích 223,7ha, gồm 2 trang trại S1 và S2, với tổng mức đầu tư 1.000 tỉ đồng, công suất của trang trại là 10.000 heo nái và cung cấp cho thị trường 230.000 heo thịt mỗi năm.
Được biết, quy trình chọn giống của trang trại này được công nhận đạt chuẩn, chăn nuôi khép kín (sử dụng chuồng kín), nước thải chăn nuôi đạt tiêu chuẩn được tái sử dụng để rửa chuồng, khí gas phát sinh từ chất thải chăn nuôi được thu gom để sử dụng chạy máy phát điện. Hệ thống xử lý chất thải được tự động hóa, công suất xử lý 2.500m3/ngày đêm, 40-50 tấn phân, bùn ngày đêm...
Tuy nhiên, tháng 4/2017, Bộ TN&MT từng “tuýt còi” Công ty TNHH MNS Farm Nghệ An vì triển khai xây dựng (cụm trại S2) trong khi chưa được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thực hiện chỉ đạo của Bộ TN&MT, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu tạm dừng thi công và xử phạt hành chính công ty này 400 triệu đồng.