Biến đổi khí hậu đã và đang khiến nhiều lớp băng có tuổi thọ hàng vạn năm tan chảy, qua đó giải phóng các loại virus và vi khuẩn lạ bị mắc kẹt trong giá lạnh hàng chục đến hàng trăm nghìn năm trước ra môi trường hiện tại, dẫn tới kịch bản tồi tệ nhất đối với con người.
Theo tạp chí Newsweek, các nhà khoa học vừa phát hiện các virus cổ xưa trong chỏm băng Guliya (cao nguyên Tây Tạng, Tây Nam Trung Quốc), trong đó có những mẫu từ 520 năm và 15.000 năm trước.
Nhóm nghiên cứu gồm nhiều chuyên gia trên thế giới phải tuân thủ các quy định an toàn nghiêm ngặt khi lấy mẫu nhằm tránh để chúng phát tán. Kết quả cho thấy ẩn chứa trong hai lõi băng là 33 loại virus khác nhau. Trong số đó, chỉ có 4 loại virus được xác định theo hệ thống phân loại virus chuẩn của thế giới. Điều đó có nghĩa là các loại virus còn lại hoàn toàn mới mẻ đối với khoa học hiện đại.
Kết quả phân tích cũng cho thấy những loại virus này có thể hoạt động tốt trong băng. Nhiều vi khuẩn được tìm thấy trong hai mẫu là vi khuẩn ưa lạnh, đồng nghĩa với việc chúng phát triển và sinh sôi ở nhiệt độ thấp, trong khoảng từ −20°C đến 10°C. Theo các nhà khoa học, băng chỉ đóng vai trò như một chủ thể lưu trữ tạm thời và một ngày nào đó vi khuẩn có thể hồi sinh và xuất hiện trong hệ sinh thái nếu băng tan chảy trong tương lai.
"Băng vĩnh cửu có khả năng "giam giữ" vi khuẩn và virus rất tốt vì nó lạnh, tối và không có oxy. Nhiều virus gây bệnh ở người và động vật, kể cả các loại từng gây ra dịch bệnh khủng khiếp trên toàn cầu, có thể đang nằm im dưới các lớp băng vĩnh cửu’ - nhà sinh học tiến hóa Jean-Michel Claverie tại Trường ĐH Aix-Marseille (Pháp) nhận định.
Một nhà nghiên cứu người Pháp trước đó đã lấy một mẫu virus 30.000 năm tuổi trong lớp băng mang về phòng thí nghiệm. Ngay sau khi được làm ấm, loại virus này lập tức sống lại mặc dù đã “ngủ đông” 300 thế kỷ.
Trong một nghiên cứu tiến hành năm 2011, hai nhà khoa học Boris Revich và Marina Podolnaya cảnh báo: "Hậu quả khi băng vĩnh cửu tan chảy là nhiều căn bệnh chết chóc ở thế kỷ XVIII và XIX sẽ quay lại, đặc biệt là tại những khu vực chôn nạn nhân của những căn bệnh này".
Vào mùa hè năm 2016, một đoàn người du mục chuyên chăn tuần lộc đã đồng loạt bị ốm vì một căn bệnh bí ẩn. Mọi người bắt đầu truyền tai nhau về dịch bệnh vốn đã biến mất từ năm 1941.
Trong lần cuối cùng xuất hiện, nó đã cướp đi sinh mạng của một cậu bé và 2500 con tuần lộc trong vùng. Các nhà khoa học đã bắt tay vào nghiên cứu và tìm tác nhân gây bệnh chính là vi khuẩn than. Chúng đã thoát ra từ xác tuần luật rã đông và xác nạn nhân tử vong vì dịch bệnh 75 năm trước.
Trong bối cảnh nhiệt độ ngày càng nóng lên làm tan chảy băng, các nhà khoa học lo sợ rằng sẽ còn nhiều trường hợp đau lòng tương tự xảy ra.