Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) có Văn bản 7442/BTNMT-TCMT gửi các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.
Đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, Bộ yêu cầu đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải. Thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố; phát triển giao thông phi cơ giới...
Ý kiến của Bộ TNMT nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận về việc thu hồi xe máy cũ nát.
Theo đó, những loại xe này, vẫn thường được gọi là "xe mù" vì không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của một chiếc xe thông thường, như không đèn, không gương, không còi…Mỗi ngày các phương tiện này thải ra một lượng lớn khí thải ra môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân đô thị.
Một số ý kiến cho rằng, khi chưa thể hạn chế phương tiện cá nhân, cần có những biện pháp kiểm soát lượng khí phát thải từ phương tiện mô-tô, xe gắn máy. Tuy nhiên, với số lượng lên đến hàng chục triệu xe máy, trong đó rất nhiều xe máy cũ nát được mua đi bán lại nhiều lần, không chính chủ từ tỉnh này sang tỉnh khác… việc kiểm soát phương tiện này không phải là dễ.
Trao đổi với PV, anh Đồng Văn Diệm, nhân viên văn phòng phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội cho biết: "Tôi thấy việc xoá sổ những xe cũ nát là điều nên làm. Bởi nó sẽ giảm thiểu vấn đề ô nhiễm khí thải như hiện nay. Tuy nhiên vấn đề này cần phải làm quyết liệt. Còn nơi làm quyết liệt, nơi thờ ơ thì rất khó".
Cùng chung quan điểm, anh Nguyễn Vĩnh Quốc, quản lý một cửa hàng tiện ích ở quận Nam Từ Liêm cho hay, biết rằng việc thu hồi những xe hết "đát" sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, phương tiện vẫn còn vận hành tốt nên nhiều gia đình chưa muốn bỏ đi, mà bán thì chẳng được bao nhiêu tiền. Có gia đình hoàn cảnh, không có tiền để mua xe mới nên vẫn sử dụng xe cũ hằng ngày. Chính vì lẽ đó khiến tình trạng xe cũ nát vẫn còn rất nhiều mà chưa thể xử lý hết.
Là người buôn bán tại chợ cóc trên địa bàn quận Cầu Giấy, chị Lưu Ngọc Hà chia sẻ, bản thân chị thấy việc thu hồi những xe cũ như hiện nay là cần thiết. Quy định này giúp giảm ô nhiễm và tai nạn giao thông. Nhưng, việc loại bỏ những chiếc xe máy "phế liệu" này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến phương tiện mưu sinh của người dân.
Theo chị Hà, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ khi thu hồi xe cũ cho người dân như khuyến mại mua xe mới cho họ.
Bên cạnh đó, nhà nước cần kiểm soát chặt điều kiện lưu hành của phương tiện, thường xuyên kiểm tra, xử lý xe cũ nát vi phạm không đủ điều kiện tham gia giao thông. Như vậy sẽ góp phần ngăn ngừa xe cũ nát gây mất an toàn, gây ô nhiễm môi trường".
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã đề xuất UBND TP.Hà Nội giao Sở chủ trì chương trình "Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe môtô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố". Thời gian triển khai chương trình dự kiến trong 3 tháng, từ tháng 9 đến tháng 12/2020, với khoảng 5.000 môtô, xe máy được đo kiểm khí thải. Tuy nhiên, đến nay chương trình này vẫn chưa được triển khai.
Theo PGS.TS Phạm Thị Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường và giao thông, Trường ĐH GTVT TP.HCM, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu môi trường và giao thông của nhà trường đã có nghiên cứu, đánh giá tác động tiêu cực của việc sử dụng xe máy cũ tại TP.HCM.
Kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết những người tham gia khảo sát ý thức được việc sử dụng xe máy hư, cũ sẽ gây hậu quả xấu đối với môi trường. Hầu hết những người tham gia khảo sát đồng ý rằng nên căn cứ vào thời gian sử dụng và số kilomet đoạn đường đi được để xác định xe máy cũ. Xe máy được sử dụng trên 10 hoặc 15 năm hay đã chạy được trên 100.000 km được xem là xe máy cũ.