Cục Hàng không Việt Nam vừa kiến nghị Vụ Tài chính (Bộ GTVT) xem xét triển khai thủ tục xử lý chiếc máy bay Boeing 727-200 bị bỏ hoang tại sân bay Nội Bài suốt 15 năm qua.
Trong lần đề nghị này, Nhà chức trách hàng không đã gửi kèm các tài liệu của Học viện Hàng không nêu rõ tiêu chuẩn, định mức và nhu cầu sử dụng máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ đào tạo, giảng dạy tại học viện.
Theo đó, trong năm học 2021-2022, học viện còn thiếu một chiếc máy bay để phục vụ thực hành bảo dưỡng máy bay tại Cam Ranh (Khánh Hòa).
Nếu được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho tiếp nhận máy bay, Học viện Hàng không sẽ thuê đơn vị khảo sát, lập phương án khả thi tháo lắp, di chuyển về cơ sở 3 tại Cam Ranh.
Chi phí vận chuyển máy bay dự kiến 4-5 tỷ đồng. Học viện sẽ chi thêm 2-3 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo máy bay phù hợp với nội dung thực hành. Toàn bộ chi phí sẽ được lấy từ nguồn thu dịch vụ.
Trước đó, tháng 10/2021, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản kiến nghị Bộ GTVT hủy bỏ phương án bán đấu giá máy bay Boeing 727 bỏ hoang tại sân bay Nội Bài, chuyển sang phương án "giao tài sản công" cho Học viện Hàng không Việt Nam sử dụng làm giáo cụ đào tạo.
Cụ thể, Học viện sẽ sử dụng mô hình máy bay Boeing 727-200 để phục vụ đào tạo các ngành kỹ thuật hàng không, thương mại mặt đất phục vụ chuyến bay, sử dụng làm giáo cụ đào tạo môn học như tiếp viên hàng không, an ninh hàng không...
Bộ GTVT đã từ chối đề xuất của Cục Hàng không với lý do Học viện Hàng không chưa cung cấp văn bản phê duyệt tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản phục vụ đào tạo được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Phương án tiếp nhận máy bay của học viện cũng chưa rõ, chưa đảm bảo tính khả thi để triển khai thực hiện (bao gồm khảo sát vị trí đặt máy bay, vận chuyển, lắp đặt, nguồn kinh phí phục vụ tiếp nhận…).
Trường hợp không đủ điều kiện giao cho Học viện Hàng không, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không khẩn trương xử lý tài sản theo thẩm quyền, trong đó có việc bán đấu giá máy bay như chỉ đạo của Phó thủ tướng vào năm 2016.
Máy bay Boeing 727-200 mang số hiệu XU-RKJ từng thuộc sở hữu của hãng hàng không Royal Khmer Airlines (Campuchia). Sau khi khai thác được vài chuyến bay trên chặng Siem Reap - Hà Nội, máy bay gặp sự cố kỹ thuật và phải đỗ tại sân bay Nội Bài từ ngày 1/5/2007.
Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia thông báo giấy phép khai thác của Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi, đồng nghĩa chiếc máy bay này đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia. Nhà chức trách phía Campuchia đề nghị Cục Hàng không Việt Nam xử lý theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Suốt 15 năm qua, Cục Hàng không Việt Nam vẫn chưa triển khai được phương án xử lý tàu bay bị “bỏ quên” này.
Trong lúc chờ cơ quan có thẩm quyền đưa ra phán quyết, chiếc máy bay từng nhận được nhiều lời đề nghị "lạ lẫm" từ các tổ chức, doanh nghiệp.
Năm 2019, một trung tâm dưỡng lão đã đề nghị đổi 3 suất dưỡng lão dài 12 năm để lấy chiếc máy bay. Cũng trong năm đó, một doanh nghiệp khác kiến nghị đổi lượng bánh kẹo, rượu bia trị giá 3 tỷ đồng lấy chiếc máy bay để làm nhà hàng. Những đề nghị này đều bị Cục Hàng không Việt Nam từ chối.