Đái tháo đường là một trong những vấn đề y tế toàn cầu lớn nhất của thế kỷ XXI, làm chậm quá trình phát triển kinh tế, cản trở quá trình đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Bệnh đái tháo đường phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên là đái tháo đường típ 1. Theo thống kê, đái tháo đường típ 1 chiếm 90% bệnh đái tháo đường ở trẻ em.
Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2022, trên thế giới có 8,75 triệu người đang chung sống với đái tháo đường típ 1, trong đó 1/5 số người sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình thấp. Về phân bố nhóm tuổi, 1,52 triệu người (17,4%) dưới 20 tuổi; 5,56 triệu người (63,5%) ở độ tuổi 20 - 59 và 1,67 triệu người (19,1%) ở độ tuổi từ 60 trở lên đang chung sống với bệnh. Tính riêng năm 2022, trên toàn cầu có tới 530.000 ca mắc đái tháo đường típ 1 mới ở mọi lứa tuổi, trong đó có 201.000 người mắc ở độ tuổi dưới 20 tuổi.
Ảnh minh họa - https://suckhoeviet.org.vn/. |
Tại Việt Nam, hiện chưa có dữ liệu đầy đủ về dịch tễ của đái tháo đường típ 1. Để tăng cường chuẩn hóa và chất lượng trong khám bệnh, chữa bệnh đái tháo đường típ 1, dựa trên tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng các khuyến cáo quốc tế, Bộ Y tế đã triển khai xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên. Hướng dẫn tập trung chủ yếu vào thực hành lâm sàng chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 1.
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường típ 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên được xây dựng với đóng góp chuyên môn của hai hội y khoa chuyên ngành: Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam và Hội Nhi khoa Việt Nam cùng các chuyên gia về nội tiết, nhi khoa có kinh nghiệm lâm sàng, giảng dạy, soạn thảo tài liệu chuyên môn của một số bệnh viện.
Theo quyết định của Bộ Y tế, tài liệu chuyên môn Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước.