Tôi lấy chồng khá sớm, khi trong mắt chỉ có tình yêu chứ chưa thấm sự đời. Vì vậy, dẫu biết anh không có công việc ổn định, lương ba cọc ba đồng không đủ trang trải cuộc sống thì tôi vẫn đồng ý lấy anh, mặc cho bố mẹ can ngăn.
Tôi luôn tin có gia đình rồi thì chồng sẽ thay đổi, trưởng thành hơn và biết lo cho tổ ấm của mình. Hơn nữa, mẹ của anh đối xử với tôi rất tốt. Bà thường xuyên gọi điện hỏi thăm, quan tâm cho nên mỗi lần anh làm sai chuyện gì hay làm tôi buồn là tôi lại gọi mách bà, kiểu gì bà cũng bênh tôi mà mắng anh.
Ấy vậy mà đám cưới xong xuôi, thái độ của mẹ chồng lại quay ngoắt 180 độ. Bà đã đuổi hai vợ chồng tôi ra khỏi nhà chỉ sau đám cưới 3 ngày.
Còn nhớ ngày hôm đó mới ngủ dậy, tôi bỗng thấy vali của hai vợ chồng nằm chềnh ềnh trước cửa. Kinh tế không ổn định, giờ ra ngoài ở chúng tôi rất khó khăn, tại sao mẹ lại làm thế chứ? Nhưng dù có gặng hỏi thế nào thì bà cũng không chịu nói lý do, ngược lại còn mắng mỏ chồng tôi thậm tệ, nào là đồ không có tiền đồ, tương lai, không biết kiếm tiền, ăn bám,...
Cưới nhau được 3 ngày, mẹ chồng như biến thành một người khác, phũ phàng đuổi hai vợ chồng tôi ra ngoài. (Ảnh minh họa).
Không lay chuyển được tâm ý của mẹ, hai vợ chồng đành phải ra ngoài thuê phòng trọ ở. Trong thời gian đó tôi mang bầu, cuộc sống rất chật vật, thiếu thốn đủ đường vì chồng vẫn ham chơi, thích thì làm không thích thì nghỉ. Tiền anh kiếm được cũng để dành đi chơi, ăn uống với bạn bè, thỉnh thoảng lắm mới đưa tôi được 200-300 nghìn đi chợ.
Sau khi sinh con xong, tiền tiết kiệm đã cạn kiệt, tôi lại đang nghỉ làm chăm con nên không kiếm ra tiền. Lúc này, ông xã có đi hỏi vay mẹ chồng nhưng một xu bà cũng không cho, thậm chí còn nói những lời khó nghe với anh. Biết chuyện tôi giận lắm, không hiểu tại sao bà lại có thể nhẫn tâm như vậy, tôi về làm dâu bà như biến thành một người khác vậy.
Nhưng sau lần đó, chồng tôi làm việc chăm chỉ hơn, anh nói rằng không thể để mẹ coi thường mãi được. Anh đi xin việc khắp nơi, làm ngày làm đêm, nhờ đó mà sau 3 năm đã được thăng chức và tăng lương. Bây giờ lương của anh là 20-30 triệu/tháng. Cuộc sống của chúng tôi cũng dần ổn định.
Sau 3 năm, cuộc sống của vợ chồng tôi dần ổn định. (Ảnh minh họa).
Lúc này, một tin dữ lại ập đến. Mẹ chồng bị ung thư, lại còn đang ở giai đoạn 3 nữa. Hay tin tôi liền đưa con tới bệnh viện thăm bà. Đã 3 năm rồi, kể từ ngày bị mẹ đuổi ra khỏi nhà, tôi chưa về thăm bà lấy một lần. Mẹ gầy và già yếu đi rất nhiều. Bên giường bệnh, mẹ chồng nắm lấy tay tôi rồi nghẹn ngào:
- Con à, mẹ luôn cảm thấy có lỗi khi ngày trước đuổi con ra khỏi nhà. Nhưng mẹ mong con hiểu cho tấm lòng của người làm mẹ, nếu mẹ không làm thế thì con trai mẹ sẽ không nên người được, nó sẽ phụ thuộc vào mẹ, vào con mãi thôi. Mẹ xin lỗi con, mẹ có lỗi với con nhiều lắm.
Thì ra trước khi chúng tôi kết hôn, mẹ chồng đã biết bản thân bị ung thư. Phần vì sợ trở thành gánh nặng cho con cái, phần vì muốn chồng tôi tự lập, biết nghĩ hơn mà năm đó mẹ mới đuổi chúng tôi ra khỏi nhà. Bao năm qua mẹ luôn tự điều trị, uống thuốc, một mình giằng xé với bệnh tật mà chẳng nói nửa lời vì sợ chúng tôi lo lắng.
Đến lúc mẹ chồng nằm viện, tôi mới biết tấm lòng của bà. (Ảnh minh họa).
Sau đó, tôi kể mọi chuyện cho chồng nghe. Anh vội vã đến bệnh viện với đôi mắt đỏ hoe, liên tục xin lỗi mẹ. Nhưng mẹ chỉ cười hiền từ nói:
- Nếu không bị bệnh, chắc mẹ sẽ để các con ở nhà, từ từ khuyên bảo. Nhưng mẹ biết thời gian của mẹ không còn nhiều, mà con cứ mãi ăn chơi như vậy thì mẹ có chết cũng không nhắm mắt được. Con mãi không chịu lớn thì vợ con khổ, cháu mẹ cũng khổ. Thật sự là mẹ hết cách, cùng đường bí lối rồi mới phải làm vậy. Mẹ chỉ mong các con được sống tốt, có như vậy mẹ mới yên lòng được.
Nói thật, từ khi có con, tôi càng thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người làm mẹ. Suốt thời gian qua, tôi ngày đêm ở bệnh viện chăm sóc mẹ chồng, dù không biết khi nào bà bình phục, sống được bao lâu nhưng tôi muốn bà được yên lòng. Nói đi cũng phải nói lại, tôi rất biết ơn mẹ chồng, vì sự tàn nhẫn của bà năm xưa mà chồng tôi mới được như bây giờ, nếu không chắc cuộc sống của tôi cũng khốn khổ rất nhiều chứ chẳng được như ngày nay.