Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến tích cực trong phiên giao dịch ngày 25/8, kết thúc phiên giao dịch chỉ số VN-Index tăng 11,72 điểm (0,92%) lên mức 1.288,88 điểm. Đây là phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp và là mức cao nhất kể từ ngày 9/6 đến nay.
Cùng với đó, bộ chỉ số HNX-Index tăng 0,56 điểm (0,19%) lên 301,86 điểm và UPCoM-Index tăng 0,29 điểm (0,31%) lên 93,59 điểm.
Cùng với đà tăng mạnh của VN-Index, mã cổ phiếu đầu ngành hóa chất DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang ghi nhận mức tăng 3,7% lên 98.400 đồng. Đây là phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp của DGC với mức tăng tổng cộng là 6.800 đồng/cổ phiếu.
Cùng với đó, PAT của CTCP Phốt Pho Apatit Việt Nam trên sàn UPCoM-Index cũng ghi nhận mức tăng thêm 8.100 đồng/cổ phiếu trong hai phiên giao dịch gần nhất để đóng cửa ở mức giá 131.000 đồng/cổ phiếu.
So với mức đỉnh 255.400 đồng/cổ phiếu thiết lập trong phiên giao dịch ngày 22/6, thị giá của PAT đã giảm hàng trăm nghìn đồng/cổ phiếu sau 2 tháng. Tuy nhiên, so với giá chào sàn 120.000 đồng/cổ phiếu ngày 17/6 thì thị giá của PAT vẫn đang tăng 11.000 đồng/cổ phiếu (sau chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 100% vào đầu tháng 8).
Với đà tăng mạnh của DGC và PAT trong hai phiên liên tiếp, khối tài sản của Chủ tịch Đào Hữu Huyền ghi nhận mức tăng thêm gần 470 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 25/8, khối tài sản của đại gia 66 tuổi người Hưng Yên trở lại mốc trên 7.000 tỷ đồng khi đang trực tiếp nắm giữ khối tài sản trị giá 7.013 tỷ đồng.
Cùng với đó, khối tài sản của bà Nguyễn Hồng Lan, vợ ông Huyền có giá trị hơn 1.428 tỷ đồng. Trong khi khối tài sản của người con trai Đào Hữu Duy Anh là 1.401 tỷ đồng và người con gái Đào Hồng Hạnh nắm giữ khối tài sản hơn 513 tỷ đồng.
Sau 3 phiên tăng liên tiếp của chỉ số VN-Index, nhận định về xu hướng thị trường phiên giao dịch ngày 26/8, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Asean (AseanSC) cho rằng VN-Index có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để kiểm định vùng kháng cự gần 1.290 – 1.295 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.300 – 1.305 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index thu hẹp đà tăng về cuối ngày.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định theo sau diễn biến thăm dò trước vùng cản 1.280-1.285 điểm, VN-Index đã có động thái đầu tiên vượt lên trên vùng cản này với trợ lực từ nhóm vốn hóa lớn. Mặc dù, có tín hiệu lan tỏa tích cực, dòng tiền vẫn chưa đủ mạnh mẽ để giúp thị trường bùng nổ và có hiện tượng chốt lời ở một số nhóm ngành. Với diễn biến này, thị trường vẫn có cơ hội tăng điểm trong thời gian tới và dần tiến về vùng đỉnh cũ 1.300-1.320 điểm của VN-Index. Với diễn biến tăng dần về vùng rủi ro cao 1.300- 1.320 điểm, nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên tận dụng đà tăng để cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro và việc mở vị thế mua sẽ cần phải quan sát, chọn lọc kỹ hơn.
Trong khi đó, chuyên gia của CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định trong ngắn hạn, chỉ số VN-Index đang bắt đầu đi vào vùng quá mua, trong khi VN30 có thể vào vùng quá mua trong 1-2 phiên giao dịch tới. Do đó, có thể thị trường sẽ chịu áp lực rung lắc lướt sóng ngắn hạn đối với các mã đã tăng nhiều, quá mua ngắn hạn để xoay vòng sang các mã nhóm mã khác, nhất là khi chu kỳ thanh toán mới được áp dụng.
Trên góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất. Nhà đầu tư tỷ trọng hợp lý có thể xem xét chọn lọc giải ngân, tích lũy đối với những cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng trong quý 3/2022, báo cáo quý 2/2022 duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt và đang thu hút dòng tiền ngắn hạn gia tăng.
Chứng khoán Yuata Việt Nam (YSVN) đánh giá VN-Index có thể kiểm định lại vùng 1.260 – 1.285 điểm trong phiên giao dịch ngày 26/8. Đồng thời, nếu VN-Index duy trì đà tăng với khối lượng giao dịch tăng thì xu hướng tăng ngắn hạn có thể bền vững hơn và dòng tiền ngắn hạn cải thiện tích cực hơn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng nhẹ cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn đang dần lạc quan trở lại và cơ hội mua mới cũng gia tăng.