Chuyên gia dịch tễ: Đại dịch sẽ xuất hiện dày và 'tàn khốc' hơn nếu như con người không sớm nhận ra điều này

18/02/2021 15:13

Theo chuyên gia, đại dịch Covid-19 đã khiến cho cả thế giới cần phải nhìn nhận lại chính mình. Con người muốn tránh khỏi đại dịch, sống khoẻ mạnh thì phải thay đổi nhận thức.

Virus luôn biến đổi để sống sót

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho hay, thế giới sẽ quay trở lại cuộc sống bình thường khi toàn cầu đã đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng hoặc virus SARS-CoV-2 tự biến đổi để thích nghi với con người và trở thành một loại cúm thường.

Chuyên gia dịch tễ: Đại dịch sẽ xuất hiện dày và "tàn khốc" hơn nếu như con người không sớm nhận ra điều này

"Mặc dù vậy, theo tôi thế giới sẽ không bao giờ quay lại một cuộc sống như trước đại dịch nữa. Virus SARS-CoV-2 đã làm thay đổi vĩnh viễn cuộc sống trước đây của chúng ta.

Nếu như con người phải thay đổi để thích nghi với điều kiện sống thì virus cũng vậy. Virus cũng phải luôn biến đổi để có thể sống sót. Không chỉ virus SARS-CoV-2 biến đổi mà tất cả các loại virus trong tự nhiên đều biến đổi, đây là chuyện bình thường trong quá trình tiến hóa", PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.

Chuyên gia dịch tễ: Đại dịch sẽ xuất hiện dày và tàn khốc hơn nếu như con người không sớm nhận ra điều này - Ảnh 1.
Đại dịch Covid-19 vẫn đang gây bệnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh minh hoạ.

Virus SARS-CoV-2 là một RNA virus và nó tiến hóa liên tục với các đột biến gen, tuy nhiên so với các virus cúm thì nó tiến hóa chậm hơn. Đột biến là những lỗi nhỏ xảy ra tự nhiên khi virus sao chép gen. Khả năng RNA tự kiểm tra khi sao chép rất kém, không thể trở lại bình thường nên các đột biến xảy ra rất lộn xộn.

Mục đích tiến hóa cuối cùng của virus là tiếp tục sinh sản và phát triển nên khi có những cản trở tiến hóa thì nó phải biến đổi để chống lại. Các biến đổi của virus để tạo ra một vỏ bọc mới để lẩn tránh các kháng thể miễn dịch. Kết quả là dịch bệnh lây lan với tốc độ nhanh hơn.

Con người muốn khỏe mạnh phải bảo vệ động vật hoang dã

"Virus gây bệnh dịch sẽ luôn tồn tại song hành với con người. Tuy nhiên, phòng bệnh dịch không khó chủ yếu liên quan tới ý thức của con người.

Sau đợt đại dịch này chúng ta sẽ cần phải thay đổi nhiều thứ. Con người sẽ phải cảnh giác hơn và có thêm những kinh nghiệm để đối phó với các đại dịch bệnh sắp tới.

Con người phải biết bảo vệ động vật hoang dã. Nên từ bỏ các thú chơi "độc lạ" mua bán động vật hoang dã, ăn thịt thú rừng, tiêu dùng các sản phẩm động vật hoang dã, phá rừng...

Vì hầu hết các loại virus gây ra đại dịch cho con người đều xuất phát từ động vật. Virus sống trên các loài động vật hoang dã thường không gây bệnh. Tuy nhiên, quá trình tiếp xúc với con người virus biến đổi để thích nghi (vật chủ mới) có thể gây bệnh và các đại dịch.

Cần phải có những phòng trào phòng chống bệnh từ động vật hoang dã sang người.

Theo tính toán của các nhà khoa học cứ khoảng 5-10 năm nhân loại sẽ có 1 đại dịch xuất hiện. Trong tương lại nếu con người không thay đổi ý thức và hành vi vẫn tiếp tục tiếp xúc, ăn động vật hoang dã thì dịch bệnh nguy hiểm sẽ tiếp tục xuất hiện với tần xuất dày hơn và "tàn khốc hơn".

Đại dịch thường xuất hiện ở Châu Á nhiều hơn. Lý do, là tại đây con người tiếp xúc với nhiều với động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, việc chặt phá rừng bừa bãi khiến cho động vật hoang dã môi trường bị thu hẹp nhiều loài động vật sống gần gũi với con người hơn. Đây cũng là nguyên nhân tần xuất đại dịch trong tương lai sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh do virus việc phòng quan trọng nhiều hơn chống. Muốn phòng được con người phải xây dựng hệ thống cảnh báo bệnh trên động vật. Các nhà động vật học sẽ theo dõi quan sát động vật để phát hiện ra được bệnh và cảnh báo trước nguy cơ của đại dịch", PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhắn nhủ.

Quay trở lại với cuộc chiến Covid-19 vị chuyên gia dịch tễ gửi tới mọi người thông điệp, khi chưa có vắc xin thì việc ngăn chặn dịch bệnh tốt nhất là thực hiện tốt nguyên tắc 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế).

Ngọc Minh