Trên thực tế, trong quá trình sản xuất, nếu không được xử lý kĩ càng, các chất hóa học được sử dụng trong nhựa rất độc hại. Khi tiếp xúc trực tiếp với con người trong thời gian dài, hóa chất trong nhựa như chì, cadmium, thủy ngân có thể gây ung thư, khuyết tật bẩm sinh, suy giảm miễn dịch và các vấn đề khác cho sức khỏe.
Nhựa có thể rò rỉ các đơn phân gây hại, hợp chất BPA phá vỡ chức năng nội tiết, styren và vinyl clorua gây phá hủy tế bào, đột biến gen. Thậm chí, các chất hóa dẻo, phụ gia tồn dư trong quá trình sản xuất nhựa còn gây hại cho sinh sản, ảnh hưởng đến chức năng duy trì nòi giống.
Theo một nghiên cứu mới đây, một chai nước một lít thông thường chứa tới 240.000 hạt vi nhựa, gấp khoảng 100 lần so với ước tính trước đây, do sự hiện diện của nhựa nano trong nước. Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, hộp nhựa có thể giải phóng các hóa chất độc hại, chẳng hạn như phthalates và bisphenol A (BPA) vào thực phẩm bên trong. Những hóa chất này đã được phát hiện là có thể phá vỡ nội tiết tố và có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm cả các vấn đề về sinh sản.
Đồ nhựa thường dễ bị xước và phai màu sau thời gian sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và vi sinh vật gắn kết. Nếu không tuân thủ các biện pháp vệ sinh, những loại vi khuẩn này có thể xâm nhập vào thức ăn và gây bệnh cho người sử dụng, đặc biệt là về đường tiêu hóa.
Bên cạnh đó, nhiều người có thói quen tái sử dụng chai nhựa để đựng nước, nhưng việc này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như tiêu chảy, đau bụng và ngộ độc thực phẩm do tích tụ vi khuẩn trong chai.
Ý nghĩa các con số thường gặp trên đồ nhựa
Số 1- PET (nhựa Poly Ethlyen Terephthalate): Thường là các loại nước giải khát đóng chai. Loại đồ nhựa này có thể tái sử dụng nhiều lần nhưng tốt nhất là không nên dùng để đựng thực phẩm và tuyệt đối không được đựng đồ nóng, vì thành phần nhựa có thể thôi ra đồ ăn thức uống làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Số 2- HDPE (nhựa có tỉ trọng Poly Ethylen cao): Thường là các chai sữa, chai nước suối, nước trái cây, thuốc tẩy hay dầu gội đầu. Đây là một loại nhựa khá an toàn, có thể tái sử dụng cho nhiều mục đích. Tuy nhiên, chỉ sử dụng những chai, lọ trước đó là bao bì thực phẩm để đựng thực phẩm và không được đựng đồ nóng.
Số 3- PVC (Nhựa Polyvinyl Chloride): Thường là chai xà phòng, chai nước tẩy rửa, túi nhựa, đây là loại nhựa độc, không được tái sử dụng.
Số 4- LDPE (Nhựa có tỉ trọng Poly Ethylen thấp): Thường là túi nhựa đựng thực phẩm, có thể tái sử dụng nhưng không nên dùng cho mục đích đựng đồ ăn, thức uống.
Số 5- PP (nhựa Poly Propylen): Thường là bao bì của các sản phẩm thực phẩm và dược phẩm, đây là loại nhựa an toàn có khả năng chịu nhiệt cao nên có thể tái sử dụng với nhiều mục đích.
Số 6- PS/PS-E (nhựa Poly Styren/Expanded Poly Styren): Thường gặp nhất là khay đựng trứng, hộp xốp, hộp đựng thức ăn dùng một lần. Đây là loại nhựa dễ dàng thôi ra các chất độc khi gặp nhiệt độ cao, không nên tái sử dụng.
Số 7- Các loại nhựa khác: Thường là các chai nước lớn, chai đựng nước trái cây, đây là loại nhựa hoặc hỗn hợp nhựa không thuộc 6 loại kể trên, các loại bao bì có kí hiệu này không nên tái chế.
Một số lưu ý khi sử dụng đồ nhựa
Không sử dụng đồ nhựa kém chất lượng
Đồ nhựa thường được sử dụng trong sinh hoạt giúp bảo quản thực phẩm, đồ ăn… Đây cũng là một trong những hoạt động tiếp xúc trực tiếp và nhiều nhất với nhựa. Do đó, bạn cần chọn mua và sử dụng hộp nhựa chất lượng tốt, tránh các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng dễ lẫn các tạp chất độc hại.
Bạn nên mua đồ nhựa của các thương hiệu uy tín, có sự kiểm định về chất lượng tại các cửa hàng chính hãng, siêu thị lớn. Theo đó, chất lượng đồ dùng cũng sẽ được đảm bảo giúp bạn an tâm hơn khi sử dụng.
Hạn chế dùng đồ nhựa đựng thức ăn quá nóng
Bạn không nên sử dụng đồ nhựa đựng thức ăn quá nóng từ 100 độ C trở lên. Bởi một số hộp nhựa được giới hạn nhiệt độ. Khi tiếp xúc với nhiệt độ từ 100 độ C trở lên, chất monostyren có thể được giải phóng và ảnh hưởng đến thức ăn.
Nếu con người ăn thức ăn bị nhiễm độc có thể gây nhiễm độc gan và nhiều bộ phận khác trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm cho bạn.
Khi đựng thức ăn nóng, bạn nên chọn hộp nhựa có khả năng chịu nhiệt độ cao, đặt hộp tại vị trí an toàn.
Các ký hiệu, biểu tượng trên đồ nhựa
Nhựa dùng trong lò vi sóng
Chỉ nên sử dụng những hộp nhựa có dán nhãn an toàn với lò vi sóng để hâm nóng thực phẩm. Có thể thấy điều này ở phần đế hộp. Vật liệu không bền nhiệt, không phù hợp với lò vi sóng có thể khiến các hạt nhựa ngấm vào thức ăn, gây độc hại.
Bình sữa trẻ em
Không nên cho nước sôi vào bình vì nước nóng có thể khiến bình giải phóng hóa chất vào sữa. Sự lựa chọn tốt nhất là chai/bình thủy tinh.
Giảm sử dụng đồ nhựa một lần
Đồ nhựa một lần, như ống hút và túi nhựa, tạo ra nhiều rác thải và có thể chứa các chất hóa học gây hại. Do đó, thay vì sử dụng đồ nhựa một lần, hãy chuyển sang sử dụng các sản phẩm tái sử dụng như ống hút inox, bình nước kim loại để giảm lượng rác thải và bảo vệ môi trường.