Quan sát tình hình hiện tại, TS Nguyễn Đức Thái - chuyên gia nghiên cứu di truyền và tế bào học - đánh giá dịch lần này sẽ rất quan ngại. "Chúng ta cần dồn sức đánh "một trận Điện Biên Phủ" để chống dịch. Nếu chúng ta không thần tốc thì một lỗ kiến nhỏ cũng có thể làm vỡ bờ đê", TS Thái nói.
Theo TS Thái, làn sóng COVID-19 thứ 4 ở Việt Nam trở nên phức tạp vì 6 nguyên nhân dưới đây:
1. Tụ tập đông người: Ở các địa điểm du lịch trong dip lễ 30/4, rất nhiều người chen chân tại biển Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang, Sầm Sơn… Những khu vui chơi giải trí trong nhà, quán bar, phòng hát, đâu đâu cũng mở cửa đón khách.
2. Thiếu tuân thủ 5K: Gần đây người dân, cơ quan quản lý nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là trong việc thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế (khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế).
3. Biến chủng mới từ Ấn Độ: Ngay từ chùm ca bệnh cuối tháng 4 tại Yên Bái, Bộ Y tế đã giải trình tự gen và kết quả cho thấy tất cả các mẫu xét nghiệm của các chuyên gia Ấn Độ và nhân viên khách sạn đều có biến thể hiện đang lưu hành và gây bệnh tại Ấn Độ - biến thể B.1.617.2. Đến 4/5, kết quả giải trình tự gen tại Vĩnh Phúc cũng cho kết quả biến thể này.
Chủng virus từ Ấn Độ được cho là có những biến thể làm lây lan nhanh hơn (đặc tính của chủng biến thể Anh) và có dấu hiệu làm giảm tác dụng của vắc xin (đặc tính của chủng virus Nam Phi), nên được gọi là chủng virus biến thể kép. Về dịch tễ, chủng này được đánh giá là biến chủng có thể nguy hiểm.
Chủng virus từ Ấn Độ được cho là có những biến thể làm lây lan nhanh hơn và có dấu hiệu làm giảm tác dụng của vắc xin. Ảnh minh họa
4. Biến chủng từ Anh: biến chủng tại Anh là biến chủng B.1.1.7 có khả năng lây truyền nhanh, tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh, giảm thiểu khả năng bảo vệ khỏi sự lây nhiễm SARS-CoV-2 trước đó, giảm phản ứng với vắc xin, giảm đáp ứng với các kháng thể đơn dòng.
Tại các nước có biến chủng này đều thấy tỷ lệ lây truyền cao hơn, dẫn đến nhiều ca mắc COVID-19 hơn, làm tăng số người bệnh cần chăm sóc lâm sàng, làm trầm trọng thêm gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã căng thẳng và cuối cùng dẫn đến nhiều ca tử vong hơn (Galloway 2020).
Do đó, sự gia tăng khả năng lây truyền của các biến thể mới có thể đòi hỏi phải thực hiện nghiêm ngặt hơn các biện pháp tiêm chủng và các giải pháp giảm thiểu sự lây lan (giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, vệ sinh tay…) để kiểm soát sự lây truyền của SARS-CoV-2. Những biện pháp này sẽ hiệu quả hơn nếu chúng được thiết lập sớm hơn.
5. Biên giới khó bảo vệ hơn do các nước láng giềng đã có dịch và có nhu cầu tràn qua Việt Nam. Thực tế ghi nhận tại các địa phương có nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép. Ví dụ tại Hà Nội trung tâm của cả nước vẫn phát hiện 46 trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.
Tại Vĩnh Phúc cũng hơn 50 người nhập cảnh trái phép. Không ai biết nguồn dịch đến đâu. Nếu chúng ta không kiểm soát tốt thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở các địa phương nhất là vùng biên giới luôn hiện hữu.
6. Khách từ nước ngoài về dù hợp pháp nhưng tỷ số dương tính COVID-19 cao hơn trước. Ví dụ như ngày 29/4 có 45 ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại Việt Nam thì có tới 39 ca cách ly ngay khi nhập cảnh, ngày 2/5 có 20 ca thì 12 ca nhập cảnh.
Biện pháp cần làm
TS Thái cho biết chúng ta cần siết chặt quản lý, tránh lây chéo ở các khu cách ly tập trung cũng như cách ly trả phí.
Với các diễn biến của dịch hiện tại. TS Thái đã cho rằng có hai giải pháp căn cơ cần thực hiện:
Thứ nhất, chẩn đoán: Nâng cấp các kỹ thuật và chương trình xét nghiệm, chẩn đoán. Chẩn đoán chính xác các chủng đột biến và theo dõi nguồn gốc, đường lây lan qua công nghệ NGS, tức giải trình tự toàn bộ gen của virus.
Đặc biệt là ở những vùng lây lan, cần làm PCR gộp mẫu để tẩm soát toàn vùng từ vài trăm ngàn đến triệu mẫu. Bộ Y tế đã cho một số cơ sở làm gộp mẫu, và cũng vừa xét duyệt cho Amphabio Kit làm gộp 100 mẫu, theo đó xét nghiệm triệu mẫu là khả thi.
Thứ hai, vaccine: cho đến nay các vaccine đạt chuẩn như AstraZeneca, Johnson&Johnson, Pfizer, Moderna đều có thể bảo vệ cộng đồng kể cả trước các chủng đột biến.
Virus đột biến có thể làm giảm khả năng bảo vệ của cơ thể, tuy nhiên rất khó đánh bại toàn hệ miễn dịch, nên người được chủng ngừa dù nhiễm hay tái nhiễm không bị nặng, không phải vào bệnh viện gây sụp đổ hệ thống y tế.
Kinh doanh và đầu tư mua vaccine COVID-19 sớm và nhiều nhất là rất cần thiết. Hỗ trợ ưu tiên và tối đa cho các chương trình và cơ sở sản xuất vaccine COVID-19 hiện nay ở trong nước, sản xuất cho toàn dân số 130 triệu cũng là giải pháp cấp thời và khả thi.
GS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội có nói rằng chúng ta cần bảo vệ tuyến đầu - các bệnh viện cũng như các trung tâm y tế trong đó có các giá trị khoa học, đặc biệt là vaccine.