1. Nhân viên y tế;
2. Nhân viên tham gia phòng chống dịch (Ban chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...);
3. Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh;
4. Lực lượng quân đội;
5. Lực lượng công an;
6. Giáo viên;
7. Người trên 65 tuổi;
8. Nhóm người cung cấp dịch vụ thiết yếu như hàng không, vận tải, du lịch, điện, nước;
9. Những người mắc các bệnh mãn tính;
10. Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài;
11. Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.
Covax dự kiến cung ứng cho Việt Nam hơn 4,8 triệu liều vaccine (25-35% trong quý I và 65-75% trong quý II).
Trong quý I, dự kiến khoảng 1,2 triệu liều sẽ tiêm cho khoảng 500.000 nhân viên y tế và hơn 116.000 nhân viên tham gia phòng chống dịch.
Trong quý II, Covax sẽ cung ứng khoảng 3,6 triệu liều tương ứng với 1,8 triệu người. Trong đó, dự kiến có khoảng 9.200 cán bộ hải quan, 4.080 cán bộ ngoại giao, 1.027.000 lực lượng quân đội, 304.000 lực lượng công an, 550.000 giáo viên sẽ được tiêm vaccine.
Trong quý III, khoảng 33 triệu liều tương ứng với 16 triệu người sẽ được tiêm vaccine. Cụ thể, số lượng vaccine này sẽ dành cho khoảng 750.000 giáo viên, 7.600.000 người trên 65 tuổi, 1.930.000 người cung cấp dịch vụ thiết yếu (hải quan, ngoại giao, hàng không, vận tải, du lịch) và 7.000.000 người mắc bệnh mạn tính trưởng thành.
Theo kế hoạch, vaccine phòng Covid-19 được Covax Facility hỗ trợ cho Việt Nam do tập đoàn AstraZeneca sản xuất sử dụng 2 liều cho các đối tượng trên 18 tuổi, cách nhau 21 ngày, tiêm bắp, đóng gói 8-10 liều/lọ.
Các đơn vị sẽ tổ chức tiêm theo hình thức tiêm chiến dịch trong thời gian ngắn nhất, sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có. Trong trường hợp cần thiết, Sở Y tế các tỉnh, thành phố huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của nhà nước và tư nhân tham gia tổ chức buổi tiêm.
Đối với các đơn vị đủ điều kiện tiêm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật ở địa phương sẽ hướng dẫn các đơn vị tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng theo quy định. Đối với các cơ sở y tế chưa công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh phải xây dựng kế hoạch, tổ chức các điểm tiêm lưu động theo quy định.
Dự kiến, phạm vi triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 sẽ được thực hiện trên phạm vi cả nước với mức độ ưu tiên từ nguy cơ cao đến nguy cơ thấp hơn ở các khu vực/tỉnh/huyện ghi nhận trường hợp mắc và/hoặc tử vong do Covid-19 trong cộng đồng và các đô thị lớn, có mật độ dân số cao.
Trước đó, Bộ Y tế đã chính thức phê duyệt 3 kho siêu lạnh đầu tiên bảo quản vaccine phòng Covid-19 ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, cho phép bảo quản vaccine và sinh phẩm ở nhiệt độ -40 độ C đến -86 độ C.
Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến với các tỉnh thành về công tác phòng chống dịch Covid-19 sáng 19/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đang tích cực khẩn trương phối hợp với các tổ chức để đàm phán, sớm có vaccine phòng Covid-19.
Trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine cho toàn dân. Bộ Y tế đã có cam kết nhận 30 triệu liều vaccine từ nguồn viện trợ theo chương trình COVAX (cố gắng về Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021), đồng thời nhập khẩu 30 triệu liều vaccine từ công ty AstraZeneca. Như vậy, trong năm 2021, Việt Nam dự kiến có 60 triệu liều vaccine.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang tích cực đàm phán với các công ty khác, trên tinh thần chung đảm bảo vaccine cho mỗi người dân. Bộ sẽ ưu tiên vaccine cho những địa phương có dịch và có nguy cơ cao.
"Cố gắng trong năm 2021, người dân được tiếp cận vaccine đầy đủ để tái phát triển kinh tế và đưa cuộc sống trở lại bình thường", Bộ trưởng nói.