Kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ
Kinh tế phục hồi mạnh mẽ thể hiện ở GRDP quý II ước tăng 9,49%, cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ quý II ước đạt 174,44 tỷ đồng, tăng 24,3%; khối lượng hàng hóa vận chuyển quý II tăng 36,2%, doanh thu tăng 46,9%...
Cân đối thu - chi ngân sách được bảo đảm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 177.000 tỷ đồng, đạt 56,9% dự toán, bằng 122,4% so với cùng kỳ năm 2021. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 30.527 tỷ đồng, đạt 28,5% dự toán và bằng 102,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 10.245 tỷ đồng, đạt 20,1% dự toán, bằng 99,3% so với kỳ cùng; chi thường xuyên là 19.938 tỷ đồng, bằng 103% so với cùng kỳ.
Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ
Thành phố phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa; ưu tiên xây dựng cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế, tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 của HĐND thành phố.
Liên quan đến tuyến đường Lê Văn Lương, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã thông tin nhiều nội dung về các nhóm vấn đề quy hoạch, tổ chức quy hoạch, định hướng quy hoạch qua các thời kỳ, việc quản lý quy hoạch, điều chỉnh nhiều lần hay quá tải xây dựng gây ùn tắc giao thông hạ tầng kỹ thuật...
Ông Phạm Quốc Tuyến – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội – cho biết, qua các thời kỳ từ năm 2002 đến nay, trục đường Lê Văn Lương luôn được xác định là xây dựng trục cao tầng. Để triển khai chỉnh trang các tuyến phố chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, và để phù hợp với định hướng mới sau khi hợp nhất, UBND TP Hà Nội đã báo cáo và được Bộ Xây dựng thống nhất điều chỉnh chiều cao theo hướng nâng thêm chiều cao tầng các công trình tại đây.
Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch phân khu, việc UBND TP Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết năm 2016, cũng như giải quyết các dự án theo hướng tập trung nhà cao tầng tại đây phù hợp với ý kiến Bộ Xây dựng đã thỏa thuận và chủ trương, định hướng phát triển kinh tế xã hội của TP Hà Nội qua các thời kỳ và định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Do đó, việc kết luận nhà cao tầng gây quá tải, thiếu trường học nhà trẻ, giảm tiện ích… tại một số dự án là chưa thỏa đáng.
Cũng theo ông Phạm Quốc Tuyến, Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang nghiêm túc triển khai thực hiện nội dung kết luận thanh tra Bộ Xây dựng. Đối với các nội dung kết luận còn chưa thống nhất, Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội sẽ báo cáo UBND thành phố, cơ quan liên quan và có kiến nghị gửi thanh tra Bộ Xây dựng trong thời hạn 60 ngày theo đúng quy định của Luật Thanh tra. “Đối với những sai phạm chúng tôi đang xem xét báo cáo, sau khi có nội dung và còn phải trao đổi lại với Bộ Xây dựng thì mới xác định được chính xác là có hay không có những nội dung sai phạm như vậy”, ông Phạm Quốc Tuyến cho biết thêm.
Hà Nội đã xuất hiện ca nhiễm biến chủng Omicron BA.5
Tại buổi họp báo, đại diện các sở ngành đã trả lời nhiều vấn đề nóng liên quan đến tình hình chống dịch Covid – 19 trên địa bàn, gần đây 900 nhân viên y tế các cấp của Hà Nội xin nghỉ việc, việc tiêm vắc xin mũi 4,…
Ông Vũ Cao Cương - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội ghi nhận số ca mắc trung bình là 180 ca/ngày, giảm rất mạnh so với vài tháng trước đây. Đáng chú ý, kết quả giải trình tự gene của bệnh viện Bạch Mai có 3 người tại Hà Nội nhiễm biến chủng BA.5. Đây là biến chủng phụ của Omicron, có khả năng lây nhiễm nhiều hơn các biến chủng khác như BA.1, BA.2 nhưng mức độ nặng hay không chưa có bằng chứng rõ ràng. Các triệu chứng của 3 ca trên là nhẹ hoặc không triệu chứng.
Theo ông Vũ Cao Cương, việc tiêm vắc xin mũi 4 và tiêm cho trẻ em tỷ lệ hơi chậm, do một số bộ phận người dân chưa đồng tình. Ngành y tế đang đẩy mạnh truyền thông để tăng cường tỷ lệ tiêm.
Thành phố kiểm soát tốt dịch Covid-19, đến nay, hầu hết người trên 18 tuổi và trẻ em từ 12-17 tuổi đã được tiêm phòng vắc xin Covid-19 mũi 2, mũi nhắc lại đạt tỷ lệ cao (95,4% với người trên 18 tuổi).
Liên quan đến việc gần 750 cán bộ nhân viên y tế nghỉ việc, ông Vũ Cao Cương cho biết việc này xảy ra rải rác từ năm 2021 đến hết tháng 5/2022. Nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong 2 năm tạo áp lực tương đối lớn lên cán bộ y tế tất cả các tuyến, nguồn thu của các đơn vị giảm nhiều, đặc biệt là các bệnh viện tự chủ và y tế cơ sở, nên thu nhập của cán bộ y tế so với khối lượng công việc chưa tương xứng.
Vụ án liên quan đến việc mua sắm kit xét nghiệm của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á
Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến việc mua sắm kit xét nghiệm của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, Công an thành phố đã khởi tố 3 vụ án, gồm một vụ liên quan Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), một vụ liên quan Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, một vụ liên quan Bệnh viện Đa khoa Ba Vì.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm: Ông Trương Quang Việt, Giám đốc CDC Hà Nội và bà Lê Thị Bích Tuyến, Trưởng phòng Tài chính Kế toán CDC Hà Nội bị cáo buộc đã nhận 1,1 tỷ của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, đưa các thông số kỹ thuật của kít xét nghiệm của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á giúp cho công ty này trúng thầu 2 dự án cung cấp kít xét nghiệm, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 9 tỷ đồng. Đến ngày 10/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hà Nội”; đồng thời bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Trương Quang Việt và bà Lê Thị Bích Tuyến. Vụ án đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Quy định về sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để trông, giữ xe
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, hiện nay, Sở đã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để trông, giữ xe cho 31 đơn vị với diện tích 31.705m2 trên 134 tuyến đường, phố. Năm 2021, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thu phí và nộp ngân sách thành phố trên 46 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022 đã thu phí và nộp ngân sách thành phố trên 20 tỷ đồng. Đối với UBND quận, huyện, thị xã đã có 12/30 quận, huyện, thị xã tổ chức cấp phép trông, giữ xe thuộc thẩm quyền với tổng diện tích cấp phép là 91.930m2, đã thu phí và nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Hữu Bảo cho biết thêm, để tăng cường thu, tránh thất thoát nguồn thu, Sở đã giao cho Thanh tra giao thông vận tải xây dựng kế hoạch hàng năm.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Công an thành phố, Sở Tài chính, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động trông, giữ xe trên địa bàn thành phố như hành vi trông, giữ xe quá diện tích; trông, giữ xe trái phép, không phép…
Tiếp tục thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Người phát ngôn UBND thành phố cũng đã nêu một số tồn tại, hạn chế như triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao trong năm 2022 theo Chương trình hành động số 02/CTr-UBND còn chậm; bên cạnh sự cải thiện xếp hạng của Chỉ số PAPI và chỉ số SIPAS, các chỉ số PCI, và PAR Index đều giảm bậc xếp hạng. CPI bình quân 6 tháng tăng 3,25%, cao hơn so với cùng kỳ, gây áp lực lên mục tiêu năm 2022 kiểm soát lạm phát dưới 4%. Ngoài ra, ngành công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ; số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể tăng 13% và đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 51%; kết quả giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp hơn mức chung của cả nước và thấp hơn so với yêu cầu…
Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 được nêu ra như tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ; tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đẩy nhanh công tác quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng kết thi hành Luật Thủ đô.