Thực hiện nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Phải “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế

31/07/2022 14:06

Tham nhũng là khuyết tật “bẩm sinh” của quyền lực, là một nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ. Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Do vậy, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh trong chính bản thân mỗi người, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp liên quan đến chức vụ, danh lợi, uy tín của tổ chức, cá nhân. Thành công hay thất bại trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phụ thuộc vào hiệu quả của kiểm soát qu...

Đường lối về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng có cả hệ thống tư tưởng chỉ đạo, quan điểm, giải pháp và pháp luật Nhà nước quy định về quyền lực và kiểm soát quyền lực. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân”; và “Nhà nước phục vụ Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của Nhân dân”.

Thực hiện nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Phải “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế - 1

Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Nghị quyết Trung ương số 26-NQ/TW (khoá XII) ngày 19/5/2018 về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp với mục tiêu đến năm 2020 hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, kiên quyết xoá bỏ tệ chạy chức, chạy quyền, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên”, đề ra nhiều giải pháp, thể chế hoá, cụ thể hoá các chủ trương, đường lối về công tác cán bộ, nhấn mạnh phải kiểm soát quyền lực.

Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cụm từ “Kiểm soát quyền lực” được nhắn tới 20 lần, nêu rõ “tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn chặt với xiết chặt kỉ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức”.

Bộ Chính trị (khoá XII) ban hành Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 “Về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”; xác định quyền lực trong công tác cán bộ là khía cạnh đặc biệt của quyền lực chính trị, trong thể chế chính trị. Người đứng đầu không được quyết định tuyệt đối về nhân sự, vì đó là thẩm quyền của tập thể. Quyền lực dễ bị thao túng dẫn đến tha hoá, biến chất nếu không có sự kiểm soát hiệu quả.

Xuất phát từ nhu cầu kiểm soát quyền lực từ bên trong (nội bộ), ngày 13/5/2022 Trung ương chỉ đạo xây dựng đề án “Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án” nhằm phát huy hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong và từ bên ngoài vào các hoạt động tư pháp, góp phần xiết chặt kỉ luật, kỉ cương, đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện, xử lí tổ  chức, cá nhân có hành vi lạm quyền tham nhũng tiêu cực.

Về thể chế, 10 năm qua (2012-2022), Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quốc hội ban hành hơn 300 luật, pháp lệnh, Nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.500 Nghị định, Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị; cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương ban hành 45.000 văn bản; các bộ, ngành, địa phương bán hành gần 100.000 văn bản để cụ thể hoá, hướng dẫn thi hành, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Như vậy, cùng với hệ thống pháp luật Nhà nước, thì hệ thống các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kiểm soát quyền lực là rõ ràng. Tuy nhiên, quyền lực ở nước ta chưa được kiểm soát chặt chẽ và đồng bộ. Nạn tham nhũng tiêu cực vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi, mang tính tổ chức của mội “bộ phận không nhỏ” phục vụ cho “lợi ích nhóm”, cho nhiều cán bộ có chức, có quyền, nhất là người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp,v.v… Tình trạng cá nhân lợi dụng tập thể để hợp thức hoá lợi ích riêng, hoặc một vài cá nhân lợi dụng ý chí tập thể để phục vụ “lợi ích nhóm” còn rất phổ biến.

Nguyên nhân do cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng, Nhà nước vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Chế tài xử lí vi phạm ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể, hiện quả thực thi thấp. Tinh hình lạm dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực vẫn xảy ra trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây bức xúc trong xã hội.

Kiểm soát quyền lực là điều kiện bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của cơ chế vận hành các thể chế chính trị nói chung, là yếu tố quan trọng, công cụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Quyền lực phải được ràng buộc chặt chẽ bởi cơ chế, ràng buộc với trách nhiệm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó. Quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn, bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phâi bị truy cứu trách nhiệm và xử lí vi phạm. Nói phải “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế là với ý nghĩa như vậy”.

Cho nên, người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa. Các tổ chức phải có trách nhiệm tăng cường giám sát, kiểm tra có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn, đặc biệt là người đứng đầu. Mọi quyền lực cần kiểm soát nghiêm ngặt bằng cơ chế, ràng buộc vào trách nhiệm. Cần “bịt” những “khoảng trống”, những “kẽ hở” của thể chế để xây dựng một cơ chế cán bộ “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng”, đồng thời phải phòng, chống ngay trong các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mặt khác, các cơ quan quyền lực, các tổ chức có nhiệm vụ chống phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần giám sát, kiểm tra chéo lẫn nhau cũng là giải pháp hữu hiệu trong kiểm soát quyền lực. Ví dụ, vụ án giết người ở Bưu điện Cầu Voi (Long An), các cấp Tòa án Nhân dân xét xử, tuyên án tử hình Hồ Duy Hải nhưng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phát hiện những” kẽ hở”, những “khuyết tật” của cơ quan điều tra đã kháng nghị.

Trong một số vụ tham những tiêu cực sau khi cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán mặc dù đã có kết luận nhưng khi cơ quan điều tra, cơ quan kiểm tra vào cuộc xác minh lại hoặc báo chí phát hiện thì phát lộ nhiều sai phạm, vi phạm đến mức phải truy tố, đưa ra xét xử,v.v… Đó là thực tế cần kiểm soát quyền lực từ bên trong đối với các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình.

Trong kiểm soát quyền lực, báo chí là một kênh thông tin sắc bén, hữu hiệu phản ánh trung thực, khách quan, cần phát huy mạnh mẽ với vai trò là “quyền lực thứ tư” trong xã hội. 

Xây dựng các cơ quan hành chính Nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật trong sạch, vững mạnh, liêm chính, tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thuộc các lĩnh vực tư pháp dễ phát sinh tham nhũng tiêu cực, đòi hỏi trách nhiệm của quyền lực trong nhiệm vụ kiểm soát quyền lực, thực hành liêm chính ngay trong các cơ quan nội chính vừa tuân theo quy định chung vừa phải có đặc thù riêng trong các lĩnh vực.

Kim Quốc Hoa