Thủ tướng: Không để bất cứ học sinh nào không được tới trường, không có sách giáo khoa

05/09/2022 09:53

Thủ tướng đề nghị các nhà trường nghiên cứu đổi mới công tác quản trị, phương thức dạy và học, chú trọng hơn nữa tới công tác hoạt động ngoại khóa, giáo dục thể chất, nghệ thuật, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giáo dục truyền thống văn hóa - lịch sử của đất nước, lý tưởng cách mạng, đạo đức, ý thức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Đồng thời, tạo môi trường để học sinh dân tộc thiểu số vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa giao lưu, hòa nhập với học sinh các dân tộc khác.

Sáng 3/9, trước thềm năm học mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới thăm, động viên các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh và kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới tại Trường tiểu học thị trấn Yên Lập và Trường THPT Yên Lập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

Trường Tiểu học thị trấn Yên Lập tuy mới thành lập cách đây 25 năm nhưng đã có nhiều thành tích đáng ghi nhận. Còn Trường THPT Yên Lập là ngôi trường có bề dầy truyền thống và giàu thành tích của ngành giáo dục của tỉnh Phú Thọ. Đây cũng là những ngôi trường miền núi có nhiều giáo viên và học sinh là người dân tộc thiểu số.

null
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác thăm Trường tiểu học thị trấn Yên Lập. 

Tại các trường, Thủ tướng ân cần thăm hỏi, gửi lời chào thân ái và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các em, các thầy cô giáo nhân dịp năm học mới, kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; đồng thời biểu dương những thành tích đáng ghi nhận mà 2 cơ sở giáo dục đã đạt được trong những năm qua, nhất là đã vượt qua những khó khăn, thách thức do dịch bệnh, tích cực chuẩn bị cho năm học mới trong trạng thái bình thường, không phải dạy và học trực tuyến.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới công tác giáo dục, coi "Giáo dục là quốc sách hàng đầu" trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người từng căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Nhấn mạnh phương châm “lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là  động lực”, Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục và các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo, trong đó có Chỉ thị số 14 ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện, bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non và phổ thông.

Thủ tướng lưu ý việc bảo đảm sách giáo khoa cho học sinh; có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; không để em học sinh nào đến trường mà không có sách giáo khoa. Thủ tướng lưu ý nghiên cứu, triển khai việc cho học sinh mượn sách giáo khoa, cùng với giáo dục các em về tinh thần tiết kiệm, trân trọng sách vở, đồ dùng học tập.

thu-tuong2-1662346190.jpg
Thủ tướng ân cần thăm hỏi các em học sinh.

Vừa qua, các cơ quan có thẩm quyền đã đồng ý bổ sung thêm 64.000 biên chế giáo viên trên cả nước. Thủ tướng yêu cầu thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu được phân bổ bảo đảm số lượng và chất lượng; nguyên tắc là ở đâu có học sinh thì ở đó phải có giáo viên, nhưng cơ cấu lại, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hợp lý, có phương án khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn ngoại ngữ, tin học, mỹ thuật, âm nhạc, thể chất.

Thủ tướng yêu cầu tổ chức khai giảng năm học mới bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các em học sinh và các thầy cô giáo; thực hiện đúng các quy định về thu, chi, công khai các khoản thu đầu năm.

Thủ tướng đề nghị các nhà trường nghiên cứu đổi mới công tác quản trị, phương thức dạy và học, chú trọng hơn nữa tới công tác hoạt động ngoại khóa, giáo dục thể chất, nghệ thuật, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giáo dục truyền thống văn hóa - lịch sử của đất nước, lý tưởng cách mạng, đạo đức, ý thức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Đồng thời, tạo môi trường để học sinh dân tộc thiểu số vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa giao lưu, hòa nhập với học sinh các dân tộc khác.

Thủ tướng mong muốn tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường - cộng đồng dân cư để chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục các cháu, tổ chức hiệu quả, thực chất các hội nghị với phụ huynh để cùng nhà trường gắn bó chặt chẽ, giải quyết các vấn đề đặt ra.

Thủ tướng mong muốn các thầy cô giáo tận tụy với công việc, quan tâm, nắm bắt hoàn cảnh của từng em học sinh, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn - thân thiện - hạnh phúc, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui với các em.

thu-tuong3-1662346195.jpg
Thủ tướng tin tưởng các thầy cô sẽ vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang.

Thủ tướng khẳng định dù đất nước còn có những khó khăn, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm tới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, cân đối ngân sách để cải cách chính sách tiền lương, trong đó có tiền lương với đội ngũ giáo viên, tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất của ngành giáo dục.

Thủ tướng tin tưởng các thầy cô sẽ vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang, để “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”, tất cả vì học sinh thân yêu, vì thế hệ tương lai của đất nước như Bác Hồ hằng mong đợi.

Nhân dịp này, Thủ tướng và đoàn công tác đã trao tặng mỗi trường khoản kinh phí 100 triệu đồng cho các trường với mong muốn nhà trường có thêm kinh phí để tặng học bổng cho các em học sinh xuất sắc và hỗ trợ, động viên các em có hoàn cảnh khó khăn.

Đánh giá cao sự quan tâm, đầu tư nguồn lực của tỉnh Phú Thọ dành cho ngôi trường này, Thủ tướng đề nghị nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, giáo dục học sinh toàn diện về đức – trí – thể - mỹ, góp phần đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh Phú Thọ, vùng và cả nước.

Minh Tâm