Càng xả ra nhiều rác, càng phải đóng phí nhiều
Lâu nay, phí rác thải sinh hoạt được thu theo hộ gia đình mà không quan tâm gia đình đó có bao nhiêu người, xả rác nhiều hay ít. Cách thu này đơn giản, dễ làm nhưng không công bằng, không khuyến khích người dân giảm phát thải rác sinh hoạt.
Tuy nhiên, trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mới đây, phí rác thải sinh hoạt được tính theo khối lượng dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Cá nhân, hộ dân nào thải ra càng nhiều rác, mức phí sẽ càng cao.
Việc thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng sẽ được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024. Luật đề ra mốc thời gian này bởi xét theo thực tế, nếu áp dụng luôn phương thức tính phí mới, nhiều địa phương sẽ chưa có điều kiện thực hiện.
Trao đổi với PV Kinh tế Môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, giảng viên cao cấp Khoa Khoa học Môi trường và Bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) ủng hộ quy định mới được thông qua. Ông cho rằng, quy định hiện nay đang thực hiện theo cách thu phí xử lý, thu gom rác thải theo bình quân đầu người là không chính xác vì gia đình khá giả hay hộ nghèo đều tính giá như nhau, vừa không khuyến khích giảm phát thải tại nguồn vì xả nhiều hay ít cũng đóng chung một mức giá. Người xả rác ít cũng phải chịu chung phí xử lý phần ô nhiễm mà người xả nhiều gây ra, không công bằng. Việc thu tiền theo khối lượng đảm bảo công bằng, hợp lý và văn minh hơn.
Cần có những biện pháp hợp lý nhằm thực hiện Luật một cách hiệu quả
Tuy nhiên, theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, việc thực hiện thu phí theo khối lượng sẽ gặp không ít khó khăn. Vì việc xác định lượng rác thải của từng hộ không dễ, người thu gom rác không thể mang theo cân khi đi thu gom để xác định khối lượng rác thải của các hộ gia đình. Từ giờ đến năm 2025, chúng ta còn rất nhiều điều phải làm để cho việc thu gom rác thải được tiện lợi cho người dân và cả người thu gom rác thải.
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, để quy định này đi vào thực tiễn, trong thời gian tới cần có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Muốn giảm phát thải rác sinh hoạt, cần có các biện pháp xử phạt nặng nếu không phân loại rác, nên buộc người dân phải thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Khi người dân nhận thức được lợi ích, họ sẽ tự giác nộp tiền...
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) chỉ quy định nguyên tắc, còn cách thức thu phí rác thải sinh hoạt cụ thể sẽ được hướng dẫn bằng Nghị định, Thông tư. Bộ sẽ không ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết mà sẽ cố gắng quy định chi tiết tất cả các nội dung của Luật trong một vài văn bản để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và để mỗi người dân, doanh nghiệp hiểu và không khó khăn trong áp dụng. Đồng thời, sẽ tổ chức đánh giá lại khả năng, năng lực thực thi của tổ chức bộ máy và nhân sự hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Luật phân cấp nhiều hơn cho địa phương. Đây là việc cần thiết để kiến nghị cấp có thẩm quyền tăng cường năng lực, nguồn lực nhằm đáp ứng được yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Để làm được điều này, cần phải có giải pháp đồng bộ ở các khâu, từ phân loại đến thu gom, xử lý. Quan trọng hơn, người dân có nhận thức đầy đủ, nếu họ ủng hộ và trực tiếp làm thì sẽ thành công. Nhà nước sẽ đảm bảo các điều kiện để khi người dân tham gia vào quá trình này cũng được thụ hưởng lợi ích. Gắn với đó là tuyên truyền, giám sát và chế tài xử lý vi phạm”.