Với nhu cầu tuyển sinh ngày càng cao, học sinh và phụ huynh ở Hà Nội đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt để có thể được tuyển vào trường công. Việc này đặc biệt căng thẳng và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần không chỉ của học sinh mà cả các bậc phụ huynh, đồng thời cũng tạo ra những khoản chi phí đáng kể đối với những gia đình có con đi học.
Quá tải kéo dài
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2023-2024, Hà Nội có tổng số 129.210 học sinh lớp 9. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 THPT là 72.000 học sinh, các trường ở khu vực nội thành tuyển dao động từ 600-700 học sinh, chỉ tiêu ở các trường ngoại thành khoảng 400-500 học sinh.
Theo chỉ tiêu này, chỉ khoảng 55,7% học sinh có chỗ học lớp 10 THPT công lập. Sở GD-ĐT Hà Nội ước tính khoảng 30.000 học sinh khác sẽ vào các trường công lập tự chủ hoặc tư thục (23,2%), số còn lại sẽ được tuyển vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên.
Theo số liệu từ Sở GD-ĐT Hà Nội, năm nay, số lượng thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập chiếm tỷ lệ thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. Điều này càng khiến cuộc thi tuyển sinh đầu cấp (vào lớp 10) đã “nóng” lại càng “nóng” hơn.
Không ít phụ huynh cho rằng, tình trạng chỉ tiêu tuyển sinh thấp do áp lực thiếu trường lớp đang khiến hàng chục ngàn học sinh có nguy cơ “trượt” cửa vào trường công.
Cũng có ý kiến cho rằng nếu không đỗ trường công lập có thể cho con học tại các trường tư thục. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện, đủ khả năng kinh tế để chi trả mức học phí đắt đỏ tại các trường tư. Nhiều quận, huyện kêu khó vì thiếu đất xây trường, nhưng các dự án chung cư vẫn mọc lên như nấm, người dân từ khắp nơi đổ về cư trú, làm ăn, nhưng trường học lại không xây thêm. Hàng loạt dự án khu đô thị, chung cư cao tầng ở Hà Nội, chủ đầu tư chỉ chăm chăm xây nhà, bán căn hộ mà không quan tâm làm đường, xây trường học, bệnh viện…
Tình trạng quá tải trường lớp tại Hà Nội hiện nay xuất phát từ 2 nguyên nhân. Trước hết, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, tốc độ gia tăng dân số của Hà Nội rất nhanh, không chỉ về mặt tự nhiên mà còn tăng nhanh do nhập cư. Trong khi đó, số lượng trường lớp lại chưa đáp ứng kịp nhu cầu học tập. Hàng loạt các dự án chung cư, khu đô thị mọc lên, song vấn đề xây dựng các thiết chế xã hội như trường học lại chưa thực sự được quan tâm đúng mức, tương xứng.
Trong cuộc tiếp xúc với cử tri quận Hoàng Mai chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội lần trước nghe phản ánh tình trạng phải bốc thăm suất học vào trường mầm non công lập ở phường Hoàng Liệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nghiêm túc nhìn nhận "việc thiếu trường, thiếu lớp, thiếu y tế khiến nhân dân bức xúc".
Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm nào cũng rất căng thẳng. Bố mẹ nào cũng hy vọng con có thể vào được THPT công lập để rộng đường vào đại học, bởi vậy cuộc đua vào lớp 10 càng quyết liệt.
Bao giờ giảm tải được áp lực ?
Để giải sức nóng cho các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội, giảm tải áp lực về thiếu trường lớp, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn nói chung cần đẩy mạnh rà soát, xác định rõ các quận huyện đang thiếu trường lớp. Đặc biệt cần kiên quyết xử lý những đơn vị, chủ đầu tư xây dựng chung cư, khu đô thị cố tình né tránh, không xây dựng đủ trường học theo đúng quy hoạch phê duyệt ban đầu. Nếu để xảy ra tình trạng quá tải trường lớp do mất cân bằng quy hoạch cần quy rõ trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương để xử lý nghiêm. Các dự án xây dựng chung cư nếu không có các thiết chế xã hội đi kèm thì cần kiên quyết đình chỉ, buộc dừng lại.
Lâu nay, chúng ta vẫn nói nhiều về chiến lược “giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”, song sự đầu tư đó chưa thực sự tương xứng. Thậm chí có thể chưa cần sân vận động, nhà hát, nhưng xây trường cần được ưu tiên trước tiên. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, vì lợi ích lâu dài, không thể vì những nguồn lợi trước mắt mà bỏ qua những giá trị bền vững.
Điều đáng nói hiện nay là các quy hoạch đô thị ở Hà Nội chưa đồng bộ, tốc độ, tiến độ phát triển của các tòa chung cư và các thiết chế giáo dục, y tế chưa tương xứng, còn “độ vênh” nhất định gây thiếu hụt trường lớp tại nhiều khu vực. Thậm chí có trường hợp khi điều chỉnh quy hoạch, các công trình về giáo dục còn bị thay đổi về vị trí, hoặc bị “lấn ép” bởi những công trình khác. Tình trạng phụ huynh phải bốc thăm để giành xuất học cho con tại trường mầm non công lập diễn ra trong thời gian qua tại Hà Nội là một sự cảnh báo mạnh mẽ đến cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, địa phương trong việc quản lý quy hoạch đô thị. Công tác giám sát, việc thực hiện quy hoạch cũng cần có sự chỉ đạo thông nhất, đảm bảo đúng nguyên tắc trong kế hoạch được phê duyệt ban đầu.
Trong khi 21 dự án trường học chậm triển khai nhiều năm tại một số dự án khu đô thị quận Hoàng Mai. Tính rộng hơn trên tổng số 30 quận, huyện tại thủ đô thì con số còn lớn hơn nhiều lên đến hàng trăm héc-ta.
Tại khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai, trong quy hoạch, sẽ có 23 trường học từ mầm non đến THPT. Thế nhưng đến giờ, tuyệt nhiên không có bất cứ một trường công lập nào.
Trước thực trạng này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có những chỉ đạo quyết liệt: "Bây giờ những dự án mới, dự án đang triển khai phải yêu cầu xây dựng trường học, bệnh viện trước khi cho người dân vào ở. Không thể để như tình trạng vừa qua được. Vừa qua cũng xử lý các trường hợp quy hoạch trường học, bệnh viện vào 'bãi tha ma'. Cục thịt thì xử lý trước, còn xương thì để lại".
Vừa qua UBND huyện Thanh Oai đã báo cáo UBND TP hà Nội chỉ đạo các sở ban ngành cùng với chủ đầu tư từng bước bàn giao đất để xây dựng trường.
Theo Nghị quyết số 02 của HĐND Thành phố Hà Nội, thành phố triển khai 139 dự án trường học với tổng mức đầu tư 8.873 tỷ đồng.
Hà Nội đặt mục tiêu 80 - 85% trường công lập đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025. Đạt chuẩn quốc gia, thì sẽ phải đảm bảo 35 em một lớp ở bậc tiểu học, chứ không thể lên tới hơn 60 em như một số trường hiện nay.
TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch xây mới 7 trường phổ thông nhiều cấp học "tiên tiến, hiện đại" sẽ được xây dựng từ đầu năm 2024, hoàn thành vào năm 2025 với tổng kinh phí 2.500 tỷ đồng.
Các trường học này sẽ được xây dựng tại các quận huyện: Hà Đông, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Thanh Trì, Sóc Sơn, Thạch Thất. Dự kiến trong tháng 9, thành phố sẽ phê duyệt phương án kiến trúc.
Trước mắt, để giảm tải áp lực thiếu trường học, Hà Nội cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính "Đã nói là phải làm. Đã cam kết phải thực hiện hiệu quả". Nội hàm của "hiệu quả" là hài hòa lợi ích giữa các bên, nếu có khó khăn, rủi ro thì cùng nhau chia sẻ.