Trong quá trình đại dịch diễn ra, ngành y tế căng mình hơn lúc nào hết. Cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc, “đội quan áo trắng” ra sức “chống dịch như chống giặc”, nỗ lực đẩy lùi COVID-19, đã và đang kiểm soát thành công, đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường mới; đất nước đẩy mạnh khôi phục, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phồng, an ninh,v.v…
Theo dòng lịch sử, ngành y tế nước ta có bước lớn mạnh đáng kể. Với hơn 500.000 cán bộ, nhân viên đủ sức gánh vác sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ, khám và chữa bệnh cho 100 triệu dân. Hệ thống y tế ngày cảng phát triển, gia tăng số lượng và chất lượng, cả y tế công lập và y tế ngoài nhà nước (tư nhân).
Về y tế công lập, cả nước có 1.150 bệnh viện, trong đó 47 bệnh viện cấp trung ương, 419 bệnh viện cấp tỉnh và 684 bệnh viện cấp huyện. Y tế tư nhân có 182 bệnh viện và hơn 30.000 phòng khám, chữa bệnh tư nhân, hầu hết ở đô thị.
Về đào tạo, ngành y tế có 17 trường đào tạo bác sĩ. Số bác sĩ tốt nghiệp năm 2015 tăng gấp 2 lần so với năm 1997. Nếu năm 2006 có 3.265 bác sĩ ra trường thì đến năm 2018 số bác sĩ tốt nghiệp là 9.118, gấp 3 lần 12 năm trước đó. Cả nước hiện có 96.200 bác sĩ chuyên khoa, bình quân cứ 10.000 dân có 8,8 bác sĩ.
Trong khi nhiều nước tỉ lệ này rất cao như ở Úc là 38 bác sĩ, Mỹ 26 bác sĩ, Pháp 24 bác sĩ, Trung Quốc 22 bác sĩ,v.v… Tỉ lệ này ở nước ta chỉ bằng Ấn Độ và một số nước trong khu vực. Về điều dưỡng viên, trên thế giới bình quân mỗi bác sĩ có 3-4 người (riêng Nhật Bản cao nhất 9-10 điều dưỡng viên) còn ở ta 1 bác sĩ chỉ có 1,5 điều dưỡng viên. Đã thế, theo quy định của Nhà nước yêu cầu phải giảm 10% biên chế. Như vậy, nhu cầu đặt ra và điều kiện, mong muốn đang có khoảng cách quá xa.
Trong ngành y tế, số Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ y khoa có tỉ lệ xếp trong tốp đầu trên thế giới, chiếm vị trí hàng đầu trong nước và ngang ngửa với ngành giáo dục & đào tạo. Mỗi đợt xét duyệt, ngành y tế có vài chục Giáo sư, hàng trăm Phó giáo sư được phong tặng. Hệ thống y tế nước ta đứng thứ 6 của khu vực Đông Nam Á (sau Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan). Về chất lượng, hệ thống y tế Việt Nam đứng thứ 160/191 quốc gia trên thế giới (theo Nghiên cứu của nhóm tác giả WHO năm 2018),v.v…
Trong đại dịch, ngành y tế xảy ra vụ án Việt Á là một thảm kịch, hậu quả vô cùng nặng nề bởi nó liên quan đến công trình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh kit test xét nghiệm COVID-19 mà các CDC, nhiều bệnh viện ở 62 tỉnh, thành phố vi phạm. Bằng những chiêu trò “lũng đoạn nhà nước”, Công ty Việt Á bán kit test, sinh phẩm, thiết bị y tế đội giá gấp 5-10 lần khiến cho Bộ Y tế và toàn ngành chao đảo, khủng hoảng chưa từng thấy, hàng chục triệu người dân phái gánh chịu thiệt hại.
Đến nay, đại án Việt Á đã khởi tố 25 vụ án, hầu hết là CDC ở các tỉnh Hải Dương, Nghệ An, Hà Nội, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Bắc Giang, Nam Định, Hà Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Đăk Lăk và một số bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Phú Thọ, Sơn La,v.v… bắt tạm giam 95 bị can, có 2 “thượng thư”, hơn 50% là cán bộ trung cao cấp, nhà khoa học.
Còn 38 địa phương khác với 68 vụ việc liên quan Việt Á đang được điều tra, xem xét, tiếp tục xử lí. Vụ Việt Á là điển hình về quy mô, liên quan từ cơ quan trung ương đến hầu hết các địa phương, không dừng lại ở cấp tỉnh, thành phố mà kéo theo cả cơ quan chiến lược, ở các cấp cơ sở. Vụ án đã kê biên, thu giữ được 1.660 tỉ đồng tài sản, Công ty Việt Á chi 800 tỉ đồng “hoa hồng” đã thu được 500 tỉ đồng,v.v…
Hệ luỵ của vụ án Việt Á để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nó như một căn bệnh ác độc nhất huỷ hoại cơ thể con người, bởi tạo ra sự khủng hoảng mới trong ngành y tế, không chỉ suy giảm lòng tin của Nhân dân đối với “một bộ phận không nhỏ” của ngành (về tinh thần) mà nguy hại nghiêm trọng là khủng hoảng về nguồn bảo đảm thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, vật tư y tế đang rất khó khăn, thiếu thốn trong các bệnh viện công lập.
Mặc dù Nhà nước quy định phân cấp, trao quyền chủ động cho đơn vị, không cần đấu thầu tập trung như trước nhưng đa số cán bộ phụ trách cơ sở y tế lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên an phận không dám đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, ảnh hưởng dến hiệu quả, chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.
Cũng ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, nhiều cán bộ, nhân viên y tế tại các cơ sở công lập trải qua thời gian cam go, vất vả bởi áp lực cường độ lao động căng thẳng, mệt mỏi, trong khi thu nhập thấp đã ồ ạt nghỉ việc. Theo số liệu của Bộ Y tế, chỉ tính trong 1,5 năm (năm 2021 và nửa đầu năm 2022) toàn ngành đã có 9.400 bác sĩ, nhân viên nghỉ việc và ngày càng gia tăng (năm 2021 có 5.284 người, riêng 6 tháng đầu năm 2022 là 4.113 người).
Trong đó, 3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lí của Bộ Y tế và 357 người công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Y tế. Số người nghỉ việc, chuyễn công tác hầu hết ở các đô thị: TP Hồ Chí Minh gần 2.000 người, Thủ đô Hà Nội gần 1.500 người. Các địa phương: Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Dương, An Giang,v.v… đều có hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc.
Cán bộ, viên chức y tế nghỉ việc không giống một số ngành kinh tế. Trên thực tế, các bác sĩ, kĩ thuật viên, điều dưỡng viên không bỏ nghề mà chỉ là chuyển dịch từ lĩnh vực công lập sang lĩnh vực y tế tư nhân. Vào thời điểm này, nước ta có 182 bệnh viện ngoài công lập, nhiều cơ sở có quy mô 400-500 giường và được thiết kế sang trọng, đầu tư xây dựng hiện đại, thiết bị, công nghệ tiên tiến. Chi riêng Tập đoàn Vingroup, đơn vị hàng đầu về kinh doanh bất động sản, chế tạo ô-tô, xe máy, đồ điện tử mà còn sở hữu một hệ thống bệnh viện quốc tế mang thương hiệu Vinmec tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc. TP Hồ Chí Minh cũng có tốp 12 bệnh viện tư nhân tốt và uy tín, trong đó 7/10 là bệnh viện quốc tế đa khoa.
Bên cạnh hệ thống bệnh viện ngoài công lập, cả nước còn có hơn 30.000 phòng khám, chữa bệnh đa khoa tư nhân. Đó là những nơi hấp dẫn, thu hút nguồn lực lao động, chất xám của ngành y tế công lập. Có hàng chục nghìn bác sĩ, kĩ sư, dược sĩ đã về hưu tiếp tục làm việc trong hệ thống này. Những nơi đó đang cần số lượng lớn bác sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên y tế trẻ, nhất là trên dưới 40 tuổi trong độ chín công việc.
Số người này sẵn sàng nhận một cục chế độ bảo hiểm xã hội rồi kí hợp đồng làm việc tại các cơ sở Y tế tư nhân vừa lương cao, không bị sức ép căng thẳng bởi chuyên môn mà vẫn có khả năng đi đào tạo nâng cao học vị, học hàm mà không phải “xếp hàng” như ở đơn vị công lập, tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để đủ tiêu chuẩn nghỉ hưu,v.v…
Muốn “giữ chân” bác sĩ, nhân viên y tế trong các đơn vị công lập, Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung thể chể, chính sách, pháp luật đối với lĩnh vực y tế, trong đó có việc sử dụng, chăm lo, bồi dưỡng, ưu đãi con người, phù hợp với nhu cầu xã hội trong quá trình phát triển đất nước, xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.