Loay hoay lựa chọn công nghệ xử lý chất thải (Bài 1)

20/11/2020 10:11

Khối lượng rác thải sinh hoạt không ngừng tăng lên đăt ra yêu cầu phải tìm được công nghệ xử lý chất thải phù hợp với đặc điểm rác không phân loại tại nguồn của Việt Nam. Hàng loạt công nghệ được triển khai nhưng vẫn chưa có giải pháp nào tối ưu hơn cả.

Lời tòa soạn

Tại Việt Nam, công tác quản lý và kiểm soát chất thải rắn đã trải qua nhiều thời kỳ, áp dụng không ít công nghệ cả trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công nghệ nào được công nhận đạt hiệu quả tối ưu, không gây nguy hại cho môi trường.

Thời gian gần đây, công nghệ “điện rác phát điện” nổi lên như là một giải pháp hoàn hảo để xử lý vấn nạn rác thải. Thế nhưng, thực chất giải pháp này còn tồn tại những bất cập nhất định. Như vậy, công tác xử lý, quản lý chất thải rắn tại Việt Nam sẽ đi về đâu? Giải pháp nào mới thật sự tối ưu và phù hợp với đặc điểm rác không phân loại tại nguồn của Việt Nam?

Với mong muốn đưa ra bức tranh tổng quan về công tác xử lý chất thải rắn của Việt Nam hiện nay, đi sâu phân tích những vấn đề đang tồn tại của các công nghệ mới, từ đó đề xuất các giải pháp kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng quản lý chất thải rắn, bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững, Tạp chí Kinh tế Môi trường khởi đăng tuyến bài "Công nghệ xử lý chất thải: Những vấn đề đặt ra". 

Công nghệ nào phù hợp với Việt Nam?

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta tăng nhanh qua các năm, trung bình trên 10%/năm. Cụ thể, khối lượng chất thải rắn ở Việt Nam hiện nay khoảng 25 triệu tấn/năm, trong đó chất thải rắn sinh hoạt đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày và chất thải rắn sinh hoạt nông thôn khoảng 32.000 tấn/ngày. Chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị chiếm hơn 50% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả nước.

Dự báo của Viện Chiến lược Môi trường cho thấy, giai đoạn tới ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị sẽ tăng trung bình trên 10-16%/năm.

tm-img-altThời gian tới, chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị sẽ tăng trung bình trên 10-16%/năm. Nguồn ảnh: Internet. 

Theo TS. Mai Huy Tân, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức (VIDEBRIDGE), tại Việt Nam hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt trôi nổi không được xử lý chiếm 24,5%; 50% rác chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ra ô nhiễm nghiêm trọng khiến người dân bức xúc; 24% rác được chôn lấp hợp vệ sinh tuy nhiên vẫn còn ô nhiễm; Tỉ lệ đốt rác không phát điện chiếm 1% nhưng gây ra ô nhiễm không khí do khói bụi và khí độc; Đốt rác phát điện chiếm 0,5%.

Tại Việt Nam, công tác quản lý và kiểm soát chất thải rắn đã trải qua nhiều thời kỳ, áp dụng không ít công nghệ cả trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công nghệ nào được công nhận đạt hiệu quả tối ưu, không gây nguy hại cho môi trường.

Nguyên nhân chính được cho là rác thải nói chung, đặc biệt là rác thải sinh hoạt tại Việt Nam không được phân loại tại nguồn nên các công nghệ đã thành công tại các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia đã phát triển như Nhật Bản, châu Âu và Mỹ đều đã được đưa vào Việt Nam qua các dự án sử dụng vốn thương mại ODA nhưng cho đến nay đều không phát huy được hiệu quả.

Với nhược điểm tốn diện tích đất lớn và tồn tại nhiều bất cập về vấn đề môi trường, công nghệ chôn lấp rác thải dường như đã trở nên lạc hậu. Giới chuyên gia, nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến công nghệ xử lý rác thải không chôn lấp. Thực tế tại Việt Nam đã triển khai một số công nghệ xử lý rác thải không chôn lấp như công nghệ HMC triển khai ở Hà Nam; Lò đốt rác Việt Nam chế tạo; Mô hình của Công ty Môi trường Việt Nam tại Đà Nẵng và công nghệ Plasma (Thành quang) tại Đông Anh (TP. Hà Nội). Tuy nhiên, chúng đều có những hạn chế nhất định.

Sau công nghệ chôn lấp rác hợp vệ sinh, nhiều địa phương rộ lên phong trào xây dựng lò đốt rác quy mô nhỏ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giải pháp này chỉ giúp thu nhỏ khối lượng rác, nguy hại hơn là quá trình này thải khí Dioxin – một loại khí cực độc ra ngoài môi trường, đồng thời tạo ra một lượng lớn xỉ tro, xỉ bay.

tm-img-altCông nghệ đốt rác phát điện được nhiều địa phương áp dụng. Nguồn ảnh: Giáo dục và Thời đại. 

Thời gian gần đây, “điện rác” là từ khóa sử dụng rộng rãi trên phương tiện truyền thông đại chúng, được cổ vũ mạnh mẽ như là một giải pháp hoàn hảo để xử lý vấn nạn rác. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn còn nhiều băn khoăn với công nghệ này. Trong khi đó, các cơ quan chuyên môn như Bộ Khoa học và Công Nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chưa hề công nhận công nghệ trên phù hợp với Việt Nam.

Định hướng phát triển công nghệ xử lý rác thải

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng lên, lượng rác thải sinh hoạt bình quân đầu người cũng tăng dần theo tỉ lệ thuận với mức thu nhập tăng lên của dân cư. Việc xử lý chất thải rắn nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng ngày càng trở nên bức thiết, đặt ra yêu cầu cần phải có giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp.

Đi từ thực tế đó, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, chỉ đạo ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo năng lượng nhanh và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường; Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; Khuyến khích dự án đầu tư năng lượng tái tạo theo hình thức PPP; Khuyến khích công nghệ môi trường gắn với ngành năng lượng tái tạo.

Đồng thời, phát triển xử lý chất thải trong sản xuất năng lượng với công nghệ tiên tiến; Bảo vệ môi trường trong năng lượng gắn với giảm phát thải khí nhà kính; Xử lý rác thải đi đôi với bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn; Khuyến khích xây dựng nhà máy điện rác từ rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn.

tm-img-altPGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam bày tỏ những trăn trở đối với công nghệ đốt rác phát điện. 

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng các giải pháp về cơ chính chính sách mang tính định hướng và chủ trương của chúng ta đến nay vẫn chưa đủ. Theo PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích sự phát triển của các công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường của Việt Nam.

“Cần phải có chính sách cụ thể về giá cho các sản phẩm tận thu, sản phẩm thứ phát từ việc xử lý rác thải. Đảm bảo ưu tiên, khuyến khích tuy nhiên không nên đưa ra nhiều ưu đãi vô lý”, PGS.TS Trương Duy Nghĩa chia sẻ thêm.

Theo các chuyên gia, mấu chốt vấn đề xử lý rác thải tại Việt Nam là phải tìm được công nghệ phù hợp với đặc điểm của rác không phân loại tại nguồn, giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải và phù hợp với khả năng chi trả của nền kinh tế, như vậy mới được coi là công nghệ tối ưu.

Vương Liễu
Bạn đang đọc bài viết "Loay hoay lựa chọn công nghệ xử lý chất thải (Bài 1)" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG.