Ngày 5/1, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2021, đại diện Ban Quản lý Dự án Điện 2 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) đã thông tin về dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch. Theo đó, sáng 17/1, EVN sẽ tổ chức lễ khởi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 tại Khu kinh tế Hòn La, tỉnh Quảng Bình.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 là một trong những dự án nguồn điện lớn, quan trọng của EVN. Nhà máy gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW. Dự án có tổng số vốn đầu tư khoảng 1,8 tỉ USD.
Theo tiến độ, gói thầu EPC của dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 sau 42 tháng và tổ máy số 2 sau 48 tháng. EVN cho biết sau khi đi vào vận hành mỗi năm dự án này sẽ cung cấp khoảng 8,4 tỉ kWh cho hệ thống điện quốc gia.
Tuy nhiên, nhiều người dân nơi đây cũng rất lo ngại nhà máy nhiệt điện sẽ gây ô nhiễm môi trường sau khi đi vào hoạt động, cũng như công nghệ sử dụng trong Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch.
Thông tin về vấn đề này, ông Đoàn Mạnh Thắng – Phó Giám đốc Ban điều hành Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch cho biết: “Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 sử dụng công nghệ lò hơi siêu tới hạn, được trang bị các thiết bị bảo vệ môi trường tiên tiến như hệ thống lọc bụi tĩnh điện, có hiệu quả tới 99,75%, đảm bảo không gây tác động xấu tới môi trường sống xung quanh nhà máy…
Đối với lượng tro, xỉ của nhà máy, do sử dụng than bitum có đặc tính cháy kiệt nên hàm lượng carbon còn sót lại trong tro, xỉ sẽ rất thấp. Mặt khác, tro xỉ cũng là nguyên liệu chính để sản xuất vật liệu xây dựng.
Về phát thải khí, nhà máy sẽ xử lý SOx bằng nước biển theo công nghệ Sea-FGD. Phương pháp này tạo ra các muối sunfat – thành phần sẵn có trong nước biển, do đó, không gây tác động đến môi trường thủy sinh”.
PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cũng cho biết, công nghệ “siêu tới hạn” hiện đang được áp dụng tại Nhà máy nhiệt Điện Vĩnh Tân 4 và Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3. Công nghệ này đòi hỏi hệ thống thiết bị trong nhà máy cũng phải hiện đại tương xứng. Riêng đối với Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 sử dụng than bitum nhập khẩu có đặc tính cháy kiệt nên hàm lượng carbon còn sót lại trong tro, xỉ sẽ rất thấp.
“Than nhập khẩu có hàm lượng tro bằng 1/6 hàm lượng tro nội địa. Than này có tính chất rất dễ cháy nên cháy kiệt, cháy tốt, tro xỉ thải ra đạt chất lượng rất cao, có thể đóng thành như bao xi măng và bán ngay được. Đặc biệt, tro này có thể làm vật liệu xây dựng các đập nước thủy điện. Nói chung tro này ra bao nhiêu thì tiêu thụ hết bấy nhiêu”, PGS Trương Duy Nghĩa thông tin.
Được biết, dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 ban đầu do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư. Đến đầu năm 2017, dự án này chuyển giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Dự án được đánh giá là tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 về điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quy hoạch VII điều chỉnh); Văn bản số 1828/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/10/2016 giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án NMNĐ Quảng Trạch 1 tại Quyết định số 303/QĐ-BTNMT ngày 29/1/2018 do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Dự án được Ban Quản lý dự án Điện 2 thay mặt Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm đại diện chủ đầu tư, cùng với các dự án tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch.