Đây là cách những quả dâu tây giá 10 USD hồi sinh một vùng đất chết sau thảm họa lịch sử

12/03/2021 11:15

Căng mọng, sáng bóng và có giá tới 10 USD/quả, dâu tây cao cấp đang giúp một thị trấn ở Nhật Bản phục hồi sau thảm họa động đất kèm theo sóng thần khủng khiếp 10 năm trước.

Cơn địa chấn mạnh nhất từng được ghi nhận ở Nhật Bản đã tàn phá gần như toàn bộ thị trấn ven bển Yamamoto, nơi cách Tokyo khoảng 5 giờ lái xe về phía bắc. Nơi sinh sống của 12.000 người này từng là vùng đất chết với hình ảnh những con tàu khổng lồ nằm chỏng chơ giữa đất liền. Nó là một trong những nơi bị tàn phá nặng nề nhất của tỉnh Miyagi khi động đất và sóng thần quét qua. 

Đây là cách những quả dâu tây giá 10 USD hồi sinh một vùng đất chết sau thảm họa lịch sử

Tỉnh Miyagi là vựa nông nghiệp chủ chốt của nước Nhật. Nơi đây cung cấp rất nhiều loại trái cây cho quốc đảo này. Ngày 11/3/2011, phần lớn diện tích nông nghiệp, bao gồm 97% diện tích trồng dâu tây trong nhà kính của Yamamoto bị sóng thần cuốn trôi. Nước biển tràn vào khiến một diện tích khổng lồ đất nông nghiệp bị nhiễm mặn.

Tuy nhiên, thiên tai không quật ngã được tinh thần nước Nhật. Chỉ 4 tháng sau thảm họa công ty khởi nghiệp GRA Inc. ra đời cùng nhiều doanh nghiệp tương tự. Được sáng lập bởi cháu trai của một nông dân trồng dâu tây ở địa phương, GRA Inc. đã sử dụng công nghệ để giúp phục hồi nông nghiệp và đưa năng suất vượt trội.

Với hệ thống làm mát ưu việt cùng hệ thống đèn LED kích thích tăng trưởng, mô hình này nhanh chóng được cả nước Nhật hoan nghênh. Thậm chí, năm 2014, trang trại này còn được Thủ tướng Shinzo Abe thăm và đặt cho thương hiệu dâu tây Migaki-Ichigo. Chúng được bán trong siêu thị cao cấp ở Tokyo với giá 1.080 yên (10 USD) mỗi quả.

Đây là cách những quả dâu tây giá 10 USD hồi sinh một vùng đất chết sau thảm họa lịch sử - Ảnh 1.
Bất chấp tình trạng phần lớn đất đai bị nhiễm mặn, chính quyền địa phương cho biết sản lượng dâu tây ở Yamamoto đã trở lại mốc trước sóng thần từ năm 2017 và sản lượng tiếp tục tăng sau đó. Một người phát ngôn của Chính quyền thành phố xác nhận sản lượng dâu tây hiện nay đã cao hơn so với thời điểm trước thảm họa năm 2011.

Keita Takahashi, một người làm việc cho GRA, cho biết: "Yamamoto hiện đã có sản lượng dâu tây nhiều hơn so với trước thảm họa. Có cảm giác rằng chúng tôi đã thực sự phục hồi".

Tuy nhiên, Yamamoto có vẻ may mắn hơn nhiều nơi khác ở Nhật Bản. Sau thảm họa kép năm 2011, tỉnh Fukushima lân cận vẫn đang loay hoay vượt qua bóng ma của thiên tai. Không chỉ bị động đất và sóng thần tàn phá, Fukushima còn phải hứng chịu thêm thảm họa hạt nhân khi 3 lò phản ứng ở nhà máy điện Fukushima Daiichi nóng chảy và gây ra ô nhiễm phóng xạ trên diện rộng. Ở Fukushima, những thị trấn ma vẫn là điều phổ biến.

Trở lại với GRA, công ty này sản xuất 400 tấn dâu tây mỗi năm. Tháng 6 năm ngoái, công ty này đã huy động được 330 triệu yên trong vòng gọi vốn Series B, nâng tổng số tiền huy động được lên 850 triệu yên. Lãnh đạo GRA cho biết họ sẽ sử dụng số tiền này để thu hút thêm người nông dân chuyển đổi sang mô hình canh tác của họ cũng như thúc đẩy bán hàng ở nước ngoài.

Trái cây cao cấp có một lịch sử lâu đời ở Nhật Bản, nơi các mặt hàng này thường được dùng làm quà tặng. Giá 10 USD/quả dâu tây của GRA vẫn được coi là tương đối khiêm tốn khi một cuộc đấu giá năm ngoái, người ta bán 108 quả dâu tây và thu về 1,5 triệu yên, tương đương 127 USD mỗi quả.

Dâu tây ở vùng Đông Bắc Nhật Bản nổi tiếng với sự cân bằng giữa vị ngọt và chua. Các loại dâu tây mới tiếp tục chứng minh khả năng thu hút khách hàng cao cấp.

Linh Anh