Theo đó, qua xem xét Tờ trình số 108/TTr-SGDĐT ngày 15/10/2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành văn bản tổng hợp nhu cầu hỗ trợ cho học sinh trên toàn tỉnh học năm học 2024-2025 theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ, UBND tỉnh Đắk Lắk có ý kiến thống nhất nhất số lượng học sinh được hỗ trợ gạo trong năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh như sau: Tổng hợp số học sinh được hỗ trợ gạo năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh là 13.631 học sinh.
Hỗ trợ gạo cho học sinh trường THCS DurKmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Cổng TTĐT Tổng cục Dự trữ Nhà. |
Tổng số gạo hỗ trợ là 1.840.185 kg (13.631 học sinh x 15 kg x 9 tháng). Trong đó: Cấp Tiểu học và Trung học cơ sở gồm 8.665 học sinh với số lượng gạo: 1.169.775 kg; Cấp Trung học phổ thông gồm 4.966 học sinh với số lượng gạo: 670.410 kg.
UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên Căn cứ Quyết định số 2112/QĐ-BTC ngày 09/9/2024 của Bộ Tài chính, Quyết định số 376/QĐ-TCDT ngày 11/9/2024 của Tổng Cục Dự trữ Quốc gia - Bộ Tài chính để phân bổ, tiếp nhận gạo để kịp thời cấp phát, hỗ trợ cho học sinh trong học kỳ I năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh bảo đảm đúng đối tượng và theo quy định hiện hành. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc hỗ trợ cho học sinh trong học kỳ II năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được thực hiện từ năm 2013 theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg, ngày 18/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2016, chính sách hỗ trợ gạo được tích hợp cùng với chính sách hỗ trợ tiền ăn, nhà ở theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Tại tỉnh Đắk Lắk, chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh những năm qua có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giảm bớt khó khăn cho các em, gia đình và nhà trường; góp phần quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ đi học, nâng cao thể trạng của học sinh và chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ này đã phần nào giảm bớt khó khăn cho địa phương trong việc bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống dân cư và phát triển kinh tế tại các vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.