Trong nhiều gia đình, những bình hoa không chỉ đơn thuần trang trí nhà cửa, thể hiện gu thẩm mỹ của gia chủ, mà còn là "chiếc đồng hồ" báo hiệu sự thay đổi của thời gian. Mùa nào thức nấy, hội yêu hoa cập nhật liên tục những xu hướng mới, thỏa sức sáng tạo với cây lá, từ bình dân đến đắt đỏ.
Mùa thu này, dạo một vòng các hội yêu hoa, người ta dễ dàng bắt gặp những bình quả lúc lỉu. Những thức quả quen thuộc vốn được dùng hàng ngày bỗng mang một diện mạo mới, chiễm chệ trong những bình hoa xinh xắn, góp phần tô điểm không gian sống.
Mang mùa thu vào nhà với những bình quả lúc lỉu
Thị, hồng, na, thăng long,... là những loại quả đặc trưng gắn liền với tiết trời cuối hè đầu thu. Chị Hồng Hà (43 tuổi, Hà Nội) sớm đặt mua một cành hồng xinh xắn trên mạng để trang hoàng nhà cửa. Chị chia sẻ: "Cắm một bình quả có cảm giác sinh động, mới mẻ, căng mọng đầy sức sống, mang lại năng lượng tích cực". Được biết một set cành hồng như thế sẽ có giá từ 130.000 - 200.000 nghìn đồng, dễ cắm, chơi được rất bền và không tốn nhiều thời gian chăm sóc.
Thông thường, khi cắm cành quả, mẹ đảm Hà Nội sẽ chọn loại bình cao, miệng nhỏ, có độ nặng tương đối để chịu được sức nặng của cành. Chị lưu ý: "Mình thích sự mềm mại nên chọn cành mảnh, dẻo một chút để có độ rủ tự nhiên cho bình. Cũng lưu ý là chọn cành quả xanh một chút, bỏ hết lá và thậm chí ngắt bớt quả để bình quả được thanh thoát hơn". Với cành hồng, chị trưng được 2 - 3 tuần, chỉ cần thay nước 5 - 7 ngày/lần, phù hợp cho những người thích cắm hoa nhưng không có nhiều thời gian.
Bình cành hồng nhà chị Hồng Hà đẹp như một bức tranh với những quả xanh, quả chín lúc lỉu, màu sắc hài hòa, vô cùng thích mắt.
Ở TP.HCM, chị Huyền cũng chọn đặt mua cành hồng từ Đà Lạt để mang không khí mùa thu vào nhà. Chị tâm sự: "Mình vốn đam mê hoa lá đặc biệt là thích những loại hoa quả có nét đặc trưng riêng. Ở Hà Nội đang rộ lên cắm cành thị và cành táo mèo nhưng ở trong này khó kiếm lắm. Thế nên mình nảy ra ý định cắm cành hồng. Cành quả hồng xanh vàng đẹp mắt thú vị cũng phù hợp với mùa Trung thu đoàn viên sắp tới gần". Mỗi cành hồng lớn có giá 150.000 - 170.000 được chị Huyền đánh giá là rẻ, cắm xong có thể vùi vào chum gạo cho chín mềm thì vẫn ăn được.
Bình hồng nhà chị Huyền góp phần đưa không khí Trung thu về rất gần.
Chị Đàm Thị Nết (Hưng Yên) lại chọn trang trí nhà bằng một cành na tự hái ngoài vườn. Chị cho biết khi khoe bình quả trên trang cá nhân, chị nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Có người khen, có người chê vì cho rằng cắm như thế là phí cả một cành na với bao nhiêu là quả. Đáp lại, chị Nết từ tốn chia sẻ: "Ý kiến nào mình thấy cũng có cái lý, còn mình là người trực tiếp cắm nên hiểu nó chỉ là vài cành nhỏ trên cái cây khổng lồ thôi. Mình nghĩ nó chỉ đẹp với chính mình và cho ai hiểu và thích cái đẹp đó thôi". Lần đầu cắm cành na, chị Nết chọn quả xanh, mắt nhỏ để giữ được lâu nên cành không thể chín để ăn được.
Chị Nết cho biết chị không lên ý tưởng chọn bình hay chọn cành, mà cắm hoàn toàn ngẫu nhiên dựa trên mắt nhìn của mình.
Cắm xong vặt quả ăn ngon lành
Chị Thúy Toàn (Đông Triều, Quảng Ninh) sống ở làng quê trù phú với những đồi cây ăn trái, những cánh đồng 4 mùa xanh tốt. Gia đình chị cũng có nhiều hoa trái. Cô giáo Ngữ Văn bộc bạch: "Mình yêu hoa, nghiện cắm nhưng xa thành phố nên không có những loài hoa sang chảnh nên mình thường cắm các loài hoa truyền thống, cỏ dại và các loại quả có cành để thay đổi thực đơn cho giác quan".
Đến nay, chị Thúy Toàn đã từng cắm qua nhiều loại hoa và đặc biệt là những loại quả như quả hồng, thanh long, vải, táo mèo, na. Phần lớn đều là các loại quả nhà chị tự trồng được, hoặc do chị em bầu bạn hay học trò tặng. "Cây nhà lá vườn" là thế nhưng lại mang đến nét đẹp dung dị và cảm giác gần gũi khó mà "mua" được.
Với chị, cành na là "khó nhằn" nhất vì quả ngắn, nặng lại rủ ngang cành nên rất khó định vị cành quả trong bình. Chị bật mí kinh nghiệm: "Mỗi loài quả lại có đặc tính khác nhau. Nhưng cơ bản là cành cứng, nhiều lá, quả nặng. Mình phải tìm hiểu đặc tính từng loài rồi chọn bình phù hợp với dáng cành, loại quả sao cho tôn được dáng, khoe được sắc để bình quả đẹp mắt và gợi cảm nhất. Khi cắm, mình thường tỉa bớt lá để khoe quả; thay nước hàng ngày và để trong phòng mát để giữ quả tươi lâu, màu đẹp".
Cắm cành quả là một thú vui khác hẳn với cắm hoa, vì gia chủ có thể ngắm nhìn những quả xanh dần chín và đến một thời điểm nhất định, sẽ hái xuống thưởng thức. Chị Thúy Toàn cắm quả để ngắm là chủ yếu, nhiều khi trái chín vẫn cảm thấy tiếc không nỡ ăn nhưng chị bộc bạch: "Thú thật là ngồi nhẩn nha thưởng thức hương vị của trái ngọt vừa uống trà, đọc sách, ngắm bình quả... là thú vui thư thái, di dưỡng tinh thần của mình".
Chị Thúy Toàn đưa cả vườn cây trái vào nhà với những bình quả xinh xuất sắc.
Anh Tô Xuân Tùng (Hải Phòng) cũng tự chọn những cành thanh long trong vườn nhà mình, mang ra cắm và đợi chín thì vặt quả ăn luôn. Anh cho biết: "Hoa thanh long vườn nhà mình tự trồng. So với hoa thì hoa thanh long là hoa chỉ nở về đêm và sáng sớm nên ít thấy người chơi vì hoa nhanh tàn so với các hoa khác. Còn quả thanh long thì có màu đỏ đẹp tự nhiên quả ở dạng cành rất bền và chơi lâu. Quả nhà mình trồng không bơm thuốc gì cả, cắm xong hoa cũng tàn thì mình lại vặt quả ra ăn được. Tuy quả nó ko được to như thanh long ở Bình Thuận nhưng ăn vẫn ngon và ngọt".
Thanh long có màu sắc rực rỡ, phù hợp cắm trang trí.