Biến đổi khí hậu có thể khiến nhiều đại dịch bùng phát trong tương lai

04/12/2020 15:15

Tất cả các quốc gia từ những đảo quốc nhỏ bé tới những cường quốc đều đang phải đối mặt với những hiểm họa y tế ngày càng gia tăng cả về quy mô và cấp độ, khi biến đổi khí hậu khiến các đại dịch xuất hiện nhiều hơn trong tương lai.

Một nghiên cứu do tạp chí y học danh tiếng The Lancet công bố ngày 3/12 chỉ ra tất cả các quốc gia từ những đảo quốc nhỏ bé tới những cường quốc đều đang phải đối mặt với những hiểm họa y tế ngày càng gia tăng cả về quy mô và cấp độ, khi biến đổi khí hậu khiến các đại dịch xuất hiện nhiều hơn trong tương lai.

Theo báo cáo thường niên lần thứ năm của tạp chí The Lancet về mối liên quan giữa y tế và khí hậu, các yếu tố như nắng nóng gay gắt, ô nhiễm không khí và hoạt động nông nghiệp dày đặc cùng kết hợp đã gây ra "viễn cảnh y tế cộng đồng tồi tệ chưa từng có".

Các mối đe dọa tới sức khỏe con người đang nhân rộng và gia tăng do biến đổi khí hậu.

Ian Hamilton, tác giả chính của báo cáo, cho rằng các mối đe dọa tới sức khỏe con người đang nhân rộng và gia tăng do biến đổi khí hậu và trong tương lai, nếu tình hình không thay đổi, các hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ đứng trước nguy cơ quá tải.

Nắng nóng và hạn hán cũng khiến số vụ cháy tăng đáng kể. Báo cáo cho biết kể từ đầu thập niên 2000, số người bị thương, thiệt mạng hoặc phải di dời chỗ ở do các vụ cháy có xu hướng tăng lên tại 128 quốc gia.

Ngoài ra, tình trạng nước biển dâng do tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng vì khí thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, các hoạt động nông nghiệp và phương tiện giao thông chưa được kiềm chế, có thể khiến 565 triệu người phải sơ tán vào năm 2100, và khiến đẩy những người này vào nguy cơ đối mặt với hàng loạt vấn đề về sức khỏe.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho biết với hơn 9 triệu người chết mỗi năm do khẩu phần ăn không đảm bảo, tỉ lệ tử vong do tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ cũng tăng đến 70% chỉ trong 30 năm qua. Năm 2017, Pháp có ít nhất 13.000 ca tử vong do sử dụng thịt đỏ, trong tổng số 90.000 người tử vong do khẩu phần ăn không đảm bảo.

Nhóm tác giả cảnh báo tình trạng đô thị hóa, gia tăng hoạt động nông nghiệp, du lịch hàng không và sử dụng nhiên liệu hóa thạch có thể khiến các đại dịch trong tương lai như COVID-19 xuất hiện nhiều hơn.

Theo báo cáo mới nhất được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên Hiệp Quốc công bố hôm 2/12, năm 2020 là một năm chứng kiến nhiều đợt nắng nóng, nạn hạn hán, cháy rừng và bão lớn.

Đáng chú ý, theo Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas, năm nay cũng ghi nhận những mức nhiệt độ cực đoan mới trên đất liền, trên biển và đặc biệt là ở Bắc Cực. "Thật không may, 2020 lại là một năm đặc biệt đối với khí hậu của chúng ta" - ông Taalas đánh giá, đồng thời thúc giục các nước nỗ lực nhiều hơn nữa để hạn chế khí thải.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhận định báo cáo trên cho thấy "chúng ta đang tiến gần thảm họa khí hậu". Phát biểu tại Trường ĐH Columbia (Mỹ) hôm 2/12, ông Guterres cho rằng khí nhà kính do con người thải ra là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nói trên và các chính sách hiện vẫn chưa đủ mạnh để đối phó thách thức này. "Con người đang gây chiến với thiên nhiên. Đây là hành động tự sát" - ông Guterres nhấn mạnh.

Cũng theo nhà lãnh đạo Liên hợp quốc, các thảm họa thiên nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu khiến thế giới thiệt hại 150 tỉ USD vào năm ngoái. Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm không khí và nước đang khiến 9 triệu người tử vong hằng năm.

Cảnh báo trên của ông Guterres càng có cơ sở khi một báo cáo mới của tạp chí y khoa Lancet cho biết biến đổi khí hậu đang làm gia tăng các mối đe dọa đối với sức khỏe con người. Theo báo cáo được công bố hôm 3/12, nắng nóng cực đoan đã cướp đi sinh mạng của gần 300.000 người từ 65 tuổi trở lên trong năm 2018.

Trái Đất nóng lên có thể làm tan các lớp băng vĩnh cửa chứa các mầm bệnh từ thời cổ đại. 

Ngoài ra, nhiệt độ cao hơn cũng khiến điều kiện lao động ngoài trời thêm khó khăn. Theo thống kê, thế giới đã mất 302 tỉ giờ làm do nắng nóng cực đoan trong năm 2019, so với 199 tỉ giờ năm 2000. Chưa hết, nắng nóng và hạn hán làm gia tăng nguy cơ con người đối mặt các đám cháy rừng.

Đây không phải là lần đầu tiên, giới khoa học lên tiếng về những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người.

Một số kết quả nghiên cứu mới đây cũng cho thấy đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có nguồn gốc từ loài dơi hoang dã trong tự nhiên. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng việc con người ngày càng mở rộng "dấu chân sinh thái" có thể gây ra dịch bệnh theo nhiều cách khác nhau.

Tình trạng biến đổi khí hậu, vốn làm gia tăng nhiệt độ Trái đất, đang ngày càng nổi lên là nguyên nhân gây bệnh truyền nhiễm. Trái Đất nóng lên có thể làm tan các lớp băng vĩnh cửu ở vùng Siberia (Nga) chứa các mầm bệnh từ thời cổ đại. Các lớp băng vĩnh cửu, được ví như "quả bom hẹn giờ biến đổi khí hậu" trải khắp Nga, Canada và bang Alaska (Mỹ) chứa lượng carbon cao gấp 3 lần lượng khí thải ra kể từ thời kỳ công nghiệp hóa.

Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC), ngay cả khi con người cố gắng hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, vốn là mục tiêu của Hiệp định Paris năm 2015, băng vĩnh cửu sẽ vẫn tan chảy và giảm 25% diện tích vào năm 2100.

Ông Vladimir Romanovsky, Giáo sư Địa vật lý tại Đại học Alaska (Mỹ), cho rằng các vi sinh vật có thể tồn tại trong các lớp băng trong một thời gian dài. Khi băng tan, các vi sinh vật bị "nhốt" trong hàng thiên niên kỷ sẽ theo dòng nước lên bề mặt. Đã có nhiều trường hợp những con bọ cổ đại, vốn bị đông cứng lâu ngày, nay bỗng nhiên xuất hiện trở lại.

Bà Birgitta Evengard - chuyên gia vi sinh của ĐH Umea (Thụy Điển) - nhận định: "Trong những thời khắc đen tối nhất, tôi thấy tương lai thật đáng sợ của con người thông minh.

Kẻ thù lớn nhất của chúng ta chính là sự thiếu hiểu biết của chúng ta bởi thiên nhiên đầy các vi sinh vật và đặc biệt các tầng đất đóng băng vĩnh cửu là những chiếc hộp Pandora (mở ra những điều tai ương) thực sự".

Bà Evengard dẫn chứng: "Bệnh than (anthrax) cho thấy một con vi khuẩn có thể ngủ yên trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu trong suốt hàng trăm năm và có thể sống trở lại".

Nhật Hạ