Thủy sản – Điểm sáng xuất khẩu kinh tế biển

01/06/2022 14:11

Ngành Thủy sản hiện nay là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam với quy mô ngày càng mở rộng.

Mũi nhọn trong xuất khẩu kinh tế biển

Là quốc gia ven biển có vị trí chiến lược ở khu vực Đông Nam Á và châu Á, Việt Nam có vùng đặc quyền kinh tế trên 1 triệu km2, với bờ biển dài hơn 3.260 km cùng khoảng 4.000 đảo, quần đảo. Việt Nam cũng có ngành thuỷ sản phát triển lâu đời, sở hữu nhiều chủng loại thủy sản đa dạng được phân bố dựa trên sự khác biệt về đặc điểm địa lý và khí hậu, trải dài từ Bắc đến Nam.

Đáp ứng nguyện vọng của ngành thủy sản và đông đảo bà con ngư dân, năm 1995, Thủ tướng Chính phủ  đã quyết định lấy ngày 1/4 hàng năm là Ngày Truyền thống ngành thủy sản Việt Nam.

Trải qua hơn 60 năm cần cù, sáng tạo, vượt khó để phát triển, ngành thuỷ sản Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đạt tốc độ tăng trưởng cao; quy mô và giá trị sản xuất lớn.

null Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN).

Theo báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong tháng 3/2022, xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 920 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong quý I/2022 đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020, cơ cấu GDP của ngành thủy sản trong toàn ngành nông nghiệp đã tăng từ 17,8% lên 24,4% giai đoạn 2010-2019. Cùng với đó, sản lượng thủy sản cũng tăng từ 5,1 triệu tấn lên 8,2 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng từ 5,0 tỷ USD lên tới 8,6 tỷ USD, tương ứng 1,7% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước và 20,8% kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp.

Đối với ngành hàng cá tra, trong quý I/2022 đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản. Với tôm, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt trên 900 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ và chiếm 37% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản.

Ngoài tôm và cá tra, theo VASEP, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hải sản quý I đạt 878 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, cá ngừ đạt 234 triệu USD, tăng 55%; mực, bạch tuộc đạt 156 triệu USD, tăng 35%; nhuyễn thể và cua ghẹ lần lượt đạt 30 và 54 triệu USD, tăng lần lượt 23% và 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những thị trường tiềm năng của Việt Nam trong năm 2022 về xuất khẩu tôm vẫn tiếp tục đóng vai trò “thị trường chính” là Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu (EU). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực khai mở, tháo gỡ những khó khăn của các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Australia, Canada, Singapore…

Phấn đấu trở thành trở thành trung tâm chế biến thủy sản vào năm 2030

Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đặt rõ mục tiêu, phát triển chế biến thủy sản Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.

Theo đề án, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đạt trung bình trên 40%, trong đó: tôm đạt 60%, cá tra 10%, cá ngừ 70%, mực và bạch tuộc 30% và thủy sản khác đạt 30%.

Đồng thời, trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiên tiến trở lên. Hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới.

Giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa đạt 40.000-45.000 tỷ đồng; góp phần vào giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 14-16 tỷ USD.

b-1654067335.jpg Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020, công suất neo đậu tăng thêm 24,9 nghìn tàu. (Trong ảnh: Tàu thuyền neo đậu tại cảng An Thới, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang - Ảnh TTXVN).

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để đạt được những mục tiêu trên, đề án đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2030:

Một là, tổ chức thực hiện việc kiểm soát và phát triển nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản từ nuôi trồng, khai thác và nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp chế biến, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tuân thủ các điều kiện, quy định của Việt Nam và thông lệ quốc tế; đảm bảo các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, tránh gian lận xuất xứ, gian lận thương mại.

Hai là, thu hút đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả chế biến thủy sản. Theo đó, thu hút đầu tư hình thành các tập đoàn, công ty chế biến thủy sản lớn có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới...

Ba là, đẩy mạnh chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chú trọng tới nhóm sản phẩm chủ lực (tôm, cá tra, cá ngừ); đa dạng hóa các sản phẩm chế biến.

Bốn là, phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản. Ưu tiên xây dựng và thực hiện chương trình phát triển các thị trường trọng điểm; xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các nhóm sản phẩm chủ lực.

Năm là, tổ chức lại chuỗi sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản chế biến. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khai thác, nuôi trồng, thu mua nguyên liệu, vận chuyển chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đáp ứng yêu cầu về quản lý nguồn gốc hợp pháp của nguyên liệu, chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 1434/QĐ-TTg ngày 22/9/2017, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân hàng năm đạt 6%, đạt kế hoạch đề ra; công suất cảng cá tăng thêm khoảng 352 nghìn tấn hàng qua cảng/năm, công suất neo đậu tăng thêm 24,9 nghìn tàu (vượt chỉ tiêu chương trình đề ra). Đặc biệt thủy sản Việt Nam đã chủ động sản xuất giống sạch bệnh trong nước với các đối tượng chủ lực như giống tôm sú, tôm chân trắng, các tra; đồng thời, hình thành các vùng nuôi tập trung thâm canh cho các đối tượng nuôi chủ lực đạt chứng nhận VietGAP hoặc chứng nhận tương đương GlobalGAP, ASC.BAP.

Hà Lan
Bạn đang đọc bài viết "Thủy sản – Điểm sáng xuất khẩu kinh tế biển" tại chuyên mục THỊ TRƯỜNG.