Thận trọng với vốn quỹ chủ động?

13/07/2023 13:17

Theo dữ liệu của SSI Research, trong tháng 6 đầu năm 2023, thị trường ghi nhận hoạt động giao dịch thận trọng từ các quỹ chủ động nhưng tín hiệu đang nghiêng nhiều về dòng tiền đang chờ giải ngân hơn là rút ròng.

null
Thận trọng với vốn quỹ chủ động. Ảnh minh họa

Cụ thể, dòng vốn từ các quỹ chủ động giao dịch thận trọng xuyên suốt tháng 6, đảo chiều rút ròng nhẹ 33,6 tỷ đồng. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, các quỹ chủ động đã vào ròng 3,56 nghìn tỷ đồng, tập trung vào 2 tháng đầu năm.

Cường độ rút ròng thận trọng hơn so với các quỹ ETF, cho thấy các quỹ chủ động vẫn đang có cái nhìn tích cực và duy trì tỷ trọng nhất định đối với thị trường Việt Nam.

Khối ngoại thu hẹp bán ròng 389 tỷ đồng trong tháng 6 và tính chung trong 6 tháng, khối ngoại duy trì mua ròng 1.687 tỷ đồng (3,2 nghìn tỷ nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận đột biến). Việc mua ròng trong tháng 6 tập trung chủ yếu trong 2 tuần giữa tháng, trong đó đóng góp đáng kể từ nhịp mua từ nhóm quỹ VNDiamond ETF trong khi yếu tố mùa vụ đã phần nào tác động tới giao dịch khối ngoại trong tuần cuối cùng của tháng 6. Tỷ trọng giao dịch khối ngoại có sự cải thiện nhẹ trong tháng 6 (lên 6,8%, từ mức 6,5% giá trị giao dịch trên thị trường).

"Chúng tôi duy trì thận trọng đối với dòng vốn từ các quỹ chủ động. Về mặt tích cực, TTCK Việt Nam hiện tại đang ở giai đoạn chuyển giao và phần lớn khó khăn của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2022 cũng đã được TTCK phản ánh sớm là yếu tố tích cực cho dòng tiền. Ngược lại, sự phân kỳ trong chính sách tiền tệ có thể tạo ra áp lực rút ròng từ các quỹ, đặc biệt trong trường hợp tỷ giá có những biến động mạnh. Bên cạnh đó, cơ cấu nhóm ngành trên TTCK Việt Nam hiện không quá đa dạng để giúp dòng vốn có thể tìm đến như lựa chọn hàng đầu trong việc đa dạng hóa danh mục đầu tư", Bộ phận Nghiên cứu SSI Research nêu quan điểm.

Có một điểm đáng chú ý trong quan điểm của SSI Research, đó là câu chuyện tỷ giá. Trong những ngày đầu tháng 7, tỷ giá VND/USD đã có những điều chỉnh tăng giá. Điều này dẫn đến lo ngại có thể xuất hiện áp lực đối với tỷ giá và dòng vốn đầu tư khi tác động của quyết định của Fed, dự kiến với 2 lần tăng lãi suất còn lại của năm, còn ở phía trước.

Tuy nhiên, nhiều tín hiệu cho thấy biến động tăng tỷ giá chỉ là phản ứng thị trường, và có tính tâm lý nhất thời, trong ngắn hạn. Việt Nam vẫn đang có bộ đệm dự trữ ngoại hối đã được củng cố trở lại thời gian qua. Cùng với đó là lạm phát đang ở mức thấp, hỗ trợ cho nhà điều hành dư địa để có thể vừa tiếp tục thực thi tỷ giá ổn định và vẫn tiếp tục nới lỏng tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế.

Dù vậy, một chuyên gia rằng nếu các thị trường bên ngoài vẫn suy yếu cầu, cộng với vốn FDI vào Việt Nam cả đăng ký và giải ngân tiếp tục chậm lại, Fed sẽ tiếp tục phản ứng "diều hâu" với chính sách lãi suất cho đến hết năm mới tính đến phương án hạ lãi suất vào đầu năm sau, thì vẫn sẽ có rủi ro cho tỷ giá ở biên độ biến động cao hơn. Các dòng vốn đầu tư sẽ "nhìn" những yếu tố này để đánh giá rủi ro, cơ hội và điều chuyển dòng vốn trên thị trường.

Hà Anh
Bạn đang đọc bài viết "Thận trọng với vốn quỹ chủ động?" tại chuyên mục THỊ TRƯỜNG.