Sử dụng năng lượng hiệu quả: Giải pháp hữu hiệu nâng cao hiệu quả nền kinh tế

08/06/2022 09:33

Nhiều chuyên gia cho rằng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp thiết thực giúp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển nền kinh tế, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

Tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp có thể đạt tới 30%

Nhu cầu năng lượng cho sản xuất và đời sống ngày càng tăng cao. Trong khi các nguồn tài nguyên than, dầu, khí đang dần cạn kiệt, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu thì sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp thiết thực, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế gắn với sản xuất xanh và bảo vệ môi trường.

“Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, giá nhiên liệu tăng cao, nguồn cung sơ cấp không đảm bảo, để đủ điện cho mùa nắng nóng, không còn cách nào khác là phải tiết kiệm năng lượng. Bởi, làm tốt được điều này sẽ làm giảm áp lực cung ứng điện, tăng được hiệu quả chung của nền kinh tế”, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ nhận định.

Nhu cầu điện nói riêng, năng lượng nói chung trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng ở nước ta rất lớn. Chỉ tính riêng tiêu thụ năng lượng của các ngành công nghiệp hiện chiếm tới gần 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng trong nền kinh tế và đời sống nói chung, các hoạt động sản xuất công nghiệp nói riêng còn chưa hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp thiết thực giúp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển nền kinh tế, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Hiện các ngành công nghiệp của Việt Nam chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc.

Theo các khảo sát của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp có thể đạt từ 20-30% là hoàn toàn khả thi.

Sử dụng năng lượng hiệu quả: Giải pháp hữu hiệu nâng cao hiệu quả nền kinh tế - Ảnh 1Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp thiết thực giúp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển nền kinh tế. (Ảnh: TTXVN).

Chuyên gia Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho biết, dư địa tiết kiệm năng lượng còn nhiều. Tiết kiệm điện tương đương với tạo ra nguồn điện mới nhưng tiết kiệm năng lượng không có nghĩa là không dùng, vì nền kinh tế phát triển, xã hội phát triển thì người dân tiêu thụ điện nhiều lên. Tiết kiệm năng lượng có nghĩa là tiêu dùng thông minh, đủ và khôn khéo. Nếu tiết kiệm không đạt mục tiêu thì chi phí xây dựng nguồn điện sẽ tăng cao, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu năng lượng đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, nhu cầu năng lượng sơ cấp trong giai đoạn 2010 - 2019 tăng trưởng khoảng 6%/năm, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm bình quân là 10,9% trong giai đoạn 2010 - 2015 và 10,1% trong giai đoạn 2016-2019. Theo dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm.

Để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam khoảng 6,6%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030 và khoảng 5,7%/năm trong giai đoạn 2031 - 2045, Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đưa ra tính toán hàng năm Việt Nam cần đầu tư cho ngành điện khoảng 13 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2021-2030 và trên 12 tỷ USD/ năm trong giai đoạn 2031-2045. Yêu cầu này đặt ra thách thức rất lớn cho ngành điện trong việc thu xếp đủ nguồn vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện và lưới điện, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng.

Tiết kiệm năng lượng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống

Song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng, giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế; đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Chương trình năng lượng xanh, lưu ý, cam kết Net Zero của Việt Nam và một loạt nước trên thế giới sẽ tạo ra cuộc dịch chuyển từ năng lượng hóa thạch sang điện trong các hầu hết các ngành. Như vậy, thách thức trong việc đảm bảo nguồn điện sẽ tăng lên. Khi đó tiết kiệm điện, cắt giảm nhu cầu phù hợp trở nên rất quan trọng vì không thể tăng lên mãi. Nhưng cũng không thể bỏ hết các ngành có cường độ năng lượng cao vì chúng ta phải có xi măng, sắt thép thì mới xây dựng cơ sở hạ tầng được. Ngay cả điện gió cũng ngốn rất nhiều xi măng, sắt thép.

“Chúng ta phải sử dụng năng lượng hiệu quả hơn trong những ngành công nghiệp nặng đó, ví dụ như đồng phát điện trong ngành thép. Không nên quên là giá chính là một biện pháp tiết kiệm quan trọng. Giá điện ở các nước châu Âu rất đắt nên buộc người dân và doanh nghiệp phải suy tính sao cho hiệu quả sử dụng năng lượng cao nhất. Giá cao giúp doanh nghiệp phát triển đồng phát, tận dụng nhiệt năng”, chuyên gia Hà Đăng Sơn nhận định.

Cùng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm nhấn mạnh, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống. Đồng thời, đây là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

"Vai trò của các doanh nghiệp thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm rất quan trọng. Các doanh nghiệp này phải thực hiện các quy định bắt buộc về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, vì vậy các doanh nghiệp này cần phải tiên phong, gương mẫu trong thực thi các quy định của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, như thành lập bộ phận quản lý năng lượng; kiểm toán năng lượng định kỳ; xây dựng và thực hiện các mục tiêu, giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hàng năm... để góp phần tích cực trong thực thi chính sách tiết kiệm năng lượng của Chính phủ và là các tấm gương để các doanh nghiệp khác đi theo…", ông Lâm nhấn mạnh.

Được biết, cả nước có 2.961 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE (tấn dầu quy đổi), tương đương 6 triệu kWh điện/năm trở lên. Tổng số điện năng tiêu thụ mỗi năm của các cơ sở này là hơn 70 tỷ kWh, chiếm hơn 32% tổng mức tiêu thụ điện toàn quốc.

Nếu các cơ sở này chỉ cần tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025) thì hàng năm, cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ kWh điện; tương đương tiết kiệm chi phí tiền điện khoảng 2.700 tỷ đồng.

Lan Anh