Đắk Lắk ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh nặng, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng.

Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tục ghi nhận các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó, có rất nhiều bệnh nhân nhập viện điều trị trong tình trạng nặng như sốc, tụt tiểu cầu, thoát huyết tương… gây nguy hiểm đến tính mạng.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 9/10, trên địa bàn tỉnh ghi nhận gần 4.700 trường hợp mắc SXH; trong đó có 02 trường hợp tử vong tại TP. Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ. Tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, những ngày qua, số trường hợp mắc bệnh SXH nhập viện, điều trị vì SXH liên tục gia tăng, trong đó có những trường hợp nặng. Là một trong những bệnh nhân vừa trải qua những ngày đối mặt với sự nguy hiểm khi mắc SXH, bệnh nhân H.T.M (trú tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), chia sẻ: Cách đây mấy tuần con dâu của bà bị SXH nhưng chỉ sốt rồi phát ban là hết nên bà nghĩ SXH cũng đơn giản. Tuy nhiên, khi tới lượt bà có biểu hiện sốt, bà đi phòng khám tư truyền nước và lấy thuốc uống 1 ngày nhưng không đỡ, người bắt đầu rã rời, sốt cao không hạ nên ngay trong đêm bà được gia đình đưa đi nhập viện. Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bà được chẩn đoán mắc SXH nặng với tình trạng sốc SXH, tụt tiểu cầu, chảy máu chân răng không cầm được. “Khi tiểu cầu tụt quá thấp, Bệnh viện đã phải nhờ các nhóm hiến máu tình nguyện hiến tiểu cầu mới đủ truyền cho tôi. Những ngày mắc SXH liên tục trong tình trạng nặng, không ăn không uống được, máu chảy liên tục khiến tôi rất lo lắng. Lần đầu tiên mắc SXH nhưng không nghĩ bản thân mình bị nặng như thế. Rất may nhờ sự chăm sóc, điều trị nhiệt tình của các bác sĩ, sau 6 ngày điều trị, đến nay sức khỏe của tôi đã dần ổn định”, bác H.T.M nói.

Đắk Lắk ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh nặng, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng.
Bác sĩ Phạm Hồng Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thăm, khám cho bệnh nhân H.T.M mắc SXH nặng.

Đang nằm truyền tiểu cầu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên do mắc SXH, bệnh nhân T.M.N (trú tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi trải qua những giây phút bệnh nặng. Bệnh nhân T.M.N, cho biết: Trước đây đã nhiều lần tôi nghe về bệnh SXH nhưng không nghĩ bệnh lại nguy hiểm đến vậy. Khi mắc bệnh, ở nhà chỉ sốt, vì từng sốt siêu vi nên tôi nghĩ lần này cũng chỉ sốt bình thường thế. Tuy nhiên, sau khi lấy thuốc uống đến ngày thứ 4 vẫn không đỡ, tôi thấy đuối sức quá nên tới phòng khám tư xét nghiệm, kết quả tiểu cầu giảm còn rất thấp nên phòng khám nói tôi phải nhập viện gấp. Khi nhập viện, tôi như không còn chút sức lực nào, chảy máu chân răng liên tục. Sau khi khám, các bác sĩ chỉ định cho tôi truyền tiểu cầu và theo dõi sát các chỉ số cũng như các biểu hiện bất thường.

SXH Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên qua đường muỗi truyền. Đặc điểm của SXH Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, tại khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận và điều trị cho gần 1.100 trường hợp bệnh nhân mắc SXH. Riêng năm 2024, số trường hợp bệnh nhân mắc SXH nặng chiếm tỷ lệ rất cao. Những năm trước, số ca mắc SXH nặng chỉ chiếm từ 3-5% nhưng năm nay, nhóm mắc SXH nặng chiếm tỷ lệ 10%, nhóm SXH cảnh báo chiếm khoảng 55% và còn lại là SXH nhẹ. Các bệnh nhân mắc SXH nặng đa số nhập viện trong tình trạng sốc, huyết áp giảm, suy tạng, xuất huyết nặng và tụt tiểu cầu, có những bệnh nhân tiểu cầu giảm chỉ còn 5.000, trong khi chỉ số bình thường phải trên 140.000-150.000. Vì tỷ lệ nhóm nặng nhập viện rất cao nên đòi hỏi vấn đề điều trị phải đáp ứng được tình hình lâm sàng như dịch chuyền, tiểu cầu cần số lượng lớn. Có những ngày tại Khoa phải truyền tiểu cầu cho 5, 6 trường hợp bệnh nhân trong 1 tua trực, bên cạnh đó phải cấp cứu sốc, tụt huyết áp.

Đắk Lắk ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh nặng, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng.
Bệnh nhân mắc SXH nặng được truyền tiểu cầu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Cũng theo bác sĩ Lâm, một người đã từng mắc SXH vẫn có khả năng mắc lại do SXH Dengue có 4 type huyết thanh gây bệnh và việc người bệnh đã nhiễm 1 trong 4 type thì không xuất hiện miễn dịch chéo ở các type khác. Người bệnh cần lưu ý, sốt xuất huyết sẽ diễn biến theo 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 thường kéo dài từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 4. Trong giai đoạn này người bệnh chủ yếu sốt và đau đầu, toàn thân mệt mỏi, khó chịu. Người bệnh có thể điều trị tại nhà dưới sự giám sát của nhân viên y tế và theo dõi các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm để nhập viện nếu có. Người bệnh cần làm xét nghiệm tiểu cầu hàng ngày để theo dõi.

Giai đoạn 2, đây là giai đoạn nguy hiểm kéo dài từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7. Một số trường hợp như người cao tuổi, người mắc bệnh nền kèm theo cần lưu ý phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

Giai đoạn 3, đây là giai đoạn hồi phục của bệnh nhân. Sau khoảng 2 tuần sau khi sốt người bệnh sẽ hồi phục dần dần.

Nguy hiểm của SXH là nhiều người thấy sốt nhưng không xét nghiệm, tự mua thuốc giảm sốt về uống, tự ý truyền nước, khi nặng mới tới bệnh viện. SXH là căn bệnh gây tử vong nếu ở ngày thứ 3-7 của bệnh bị thoát huyết tương dẫn đến sốc, hoặc xuất huyết nặng kèm tình trạng sốc, suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng… nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời. Trong quá trình chăm sóc người bệnh tại nhà, cần lưu ý chế độ dinh dưỡng bởi lúc này chức năng gan bị ảnh hưởng có thể khiến bệnh nhân ăn không ngon miệng. Người bệnh nên chia nhỏ các bữa ăn, ưu tiên cách chế biến mềm, lỏng để dễ hấp thu và quan trọng cần bổ sung đủ nước giúp làm mát cơ thể như oresol, nước dừa, nước hoa quả…

Để phòng, chống SXH, người dân cần chú ý diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Trong đó, thực hiện vệ sinh nơi ở, xử lý, loại bỏ, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước để muỗi đẻ trứng như: Lọ hoa, chai lọ, bể cá, khu vực rác thải… Việc chủ động diệt bọ gậy, loăng quăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ muỗi, phòng bệnh SXH. Người dân cũng cần phòng muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ màn, dùng tinh dầu xua muỗi… Hiện tại, Bộ Y tế đã phê duyệt vắc xin phòng SXH và đây được xem như giải pháp giúp góp phần hoàn thiện chiến lược phòng bệnh chủ động, đặc hiệu cho số đông. Các kết quả nghiên cứu cho thấy vắc xin phòng SXH an toàn, dùng được cho đối tượng là trẻ em. “Khi có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để khám, xét nghiệm. SXH cần được chẩn đoán và có pháp đồ điều trị sớm, tuyệt đối không tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà”, bác sĩ Lâm nhấn mạnh./.

 

Phan Tùng ( T/h)

Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/dak-lak-ghi-nhan-nhieu-truong-hop-mac-benh-nang-benh-nhan-mac-sot-xuat-huyet-tiep-tuc-gia-tang-a77100.html