Nghiện mạng xã hội gây các tác động tiêu cực tới sức khỏe tâm thần

Mới đây, Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng (Trường đại học Y Hà Nội) phối hợp Sáng kiến Z&Alpha tổ chức hội thảo với chủ đề: "Mạng xã hội và tới sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên tại Việt Nam".

Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới (10/10) nhằm nâng cao nhận thức về tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần của giới trẻ, đưa ra các khuyến nghị và hành động cụ thể để bảo vệ, nâng cao sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên Việt Nam.

Các bài tham luận tại hội thảo đều khẳng định mạng xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống cá nhân và xã hội, nhất là với lứa tuổi thanh thiếu niên.

Việt Nam hiện là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dùng Internet và mạng xã hội khi 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm khoảng 73% số dân. Một khảo sát của UNICEF năm 2022 cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam từ 12 đến 13 tuổi sử dụng Internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14 đến 15 là 93%.

Nghiện mạng xã hội gây các tác động tiêu cực tới sức khỏe tâm thần
Nghiện mạng xã hội gây ra các tác động tiêu cực như: trầm cảm, mất ngủ, lo âu... Ảnh minh họa. https://suckhoeviet.org.vn/.

Đáng chú ý, các nền tảng xã hội được thiết kế để có thể gây nghiện cho người dùng, nhất là giới trẻ, nó gây ra các tác động tiêu cực cho sức khỏe tâm thần như: trầm cảm, mất ngủ, lo âu, sao lãng trong học tập cũng như hàng loạt các vấn đề khác đối với sức khỏe tâm thần. Các hoạt động trên màn hình phương tiện truyền thông đã được cho là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng trầm cảm và tự tử ở thanh thiếu niên.

Ông Cao Hoàng Nam, đại diện Viện Sáng kiến Z&Alpha nhấn mạnh: Mạng xã hội đã sử dụng các thuật toán khác nhau dựa trên các nghiên cứu chuyên sâu về cơ chế hoạt động của não bộ nhằm tối đa hóa thời gian sử dụng, liên tục lôi cuốn người dùng mạng xã hội, tạo ra các chu kỳ tương tác gây nghiện. Đặc biệt cần lưu ý, các tính năng này được thiết kế hướng tới người sử dụng là thanh thiếu niên và không được công bố công khai cho người sử dụng được biết.

Theo ông Nam, những thiết kế của mạng xã hội đã tác động đến tâm thần người dùng. Đó là mạng xã hội thiết kế chức năng like - thích, comment - bình luận, tác động vào cơ chế sản sinh Dopamine nội sinh; mạng xã hội được thiết kế dựa trên cơ chế trả thưởng của não: "thuật củng cố biến thiên" hoặc "lịch thưởng biến thiên". Đặc biệt mạng xã hội không tiết lộ các thuật toán được sử dụng cho thiết kế có thể tạo ra một chu kỳ tương tác gây nghiện; việc thiết kế tính năng "like - thích" và so sánh xã hội khiến người dùng liên tục kiểm tra lượt thích, tăng cường độ đăng bài tiếp theo. Nếu bài viết có sự từ chối, hoặc cảm thấy bị từ chối sau khi đăng lên được ít người bấm thích trên mạng xã hội có thể dẫn tới các triệu chứng trầm cảm, gia tăng theo thời gian.

Bên cạnh đó, tính năng "thông báo" để liên tục thúc đẩy sự tham gia của người dùng bằng cách gửi thông báo tới người dùng trẻ. Mạng xã hội khiến điện thoại thông minh của người dùng trẻ tạo ra các cảnh báo nghe nhìn và xúc giác làm xao nhãng và cản trở hoạt động giáo dục của người dùng trẻ tuổi và thời gian giấc ngủ; tính năng "cuộn vô hạn" và tự động phát video khiến người dùng trẻ khó có thể thoát ra vì không có điểm kết thúc tự nhiên nào cho việc hiển thị thông tin mới. Và đặc biệt, tính năng bộ lọc hình ảnh (visual filters), sự không hài lòng về cơ thể có thể liên quan đến việc gia tăng các triệu chứng của tình trạng sức khỏe tâm thần và có thể dẫn đến nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống cao hơn.

TS Nguyễn Thị Mai Hương, Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng khẳng định, lợi ích mang lại từ mạng xã hội là sự tăng cường kết nối xã hội, cơ hội thể hiện bản thân và tiếp cận thông tin cũng như các nguồn lực cho thanh thiếu niên trong học tập và cuộc sống. Các nghiên cứu cũng cho thấy, khoảng 81% học sinh báo cáo rằng mạng xã hội giúp họ cảm thấy được kết nối hơn với bạn bè và thế giới chung quanh.

Tuy nhiên, khi lạm dụng mạng xã hội, thanh thiếu niên có thể gặp các tác động tiêu cực, như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, cô lập xã hội và nghiện internet, bắt nạt qua mạng, tỷ lệ tội phạm trên mạng gia tăng, áp lực từ bạn bè và tiếp xúc với nội dung độc hại là một số rủi ro liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội, dẫn đến việc tự làm hại bản thân, suy nghĩ tự tử và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Do vậy cần tăng cường hoạt động giám sát và giáo dục trẻ em về việc sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm và lành mạnh.

Theo bà Nguyễn Phương Liên, giảng viên Đại học Hà Nội, nghiên cứu trên 286 phụ nữ trẻ Việt Nam từ 10-35 tuổi cho thấy, những người có mức độ chỉnh sửa hình ảnh cá nhân cao thường kém tự tin về hình ảnh cơ thể và muốn thay đổi những khuyết điểm đó bằng cách tập luyện thể chất, ăn kiêng hoặc phẫu thuật thẩm mỹ. Điều này chứng tỏ rằng mạng xã hội không chỉ là thế giới ảo, mà có thể là tiền đề của những thay đổi trong thế giới thực”.

PGS.TS Lê Minh Giang, Viện trưởng Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng cho biết, hội thảo này là bước đi đầu tiên cho các nghiên cứu toàn diện về tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên Việt Nam. Từ đó xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức, hướng dẫn cho nhà trường, phụ huynh, người dùng các giải pháp để bảo vệ và nâng cao sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên Việt Nam trong kỷ nguyên số.

Các diễn giả và các nhà khoa học cho rằng việc sử dụng mạng xã hội không chỉ để tiếp cận thông tin mà còn phải đi kèm với khả năng tự nhận thức về các rủi ro tiềm ẩn. Trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân và duy trì sự kiểm soát khi dùng mạng xã hội chính là chìa khóa giúp chúng ta tận dụng triệt để những lợi ích mà không để ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên Việt Nam.

 

L.Anh (t/h)

Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/nghien-mang-xa-hoi-gay-cac-tac-dong-tieu-cuc-toi-suc-khoe-tam-than-a77050.html