WHO khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhà hoạch định chính sách cùng các bên liên quan áp dụng và thực hiện hướng dẫn này để thúc đẩy cai thuốc lá, cải thiện sức khỏe của hàng triệu người có nhu cầu trên toàn thế giới.
Hướng dẫn của WHO tập trung vào việc hỗ trợ hơn 750 triệu người sử dụng thuốc lá muốn bỏ tất cả các dạng thuốc lá. Những khuyến nghị này phù hợp với tất cả những người trưởng thành đang tìm cách bỏ các sản phẩm thuốc lá khác nhau bao gồm thuốc lá điếu, tẩu thuốc, các sản phẩm thuốc lá không khói, xì gà, thuốc lá cuộn và sản phẩm thuốc lá nung nóng (HTP).
Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, hướng dẫn của WHO đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống lại những sản phẩm nguy hiểm này. Hướng dẫn giúp trao quyền cho các quốc gia với những công cụ thiết yếu, để hỗ trợ một cách hiệu quả cho các cá nhân trong việc cai thuốc lá và giảm bớt gánh nặng toàn cầu về những bệnh liên quan đến thuốc lá.
Thúc đẩy cai thuốc lá, cải thiện sức khỏe của hàng triệu người trên toàn thế giới. (Ảnh minh họa) - https://suckhoeviet.org.vn/. |
Theo đó, việc kết hợp liệu pháp dược lý với các biện pháp can thiệp hành vi giúp làm tăng đáng kể tỷ lệ bỏ thuốc lá thành công. Các quốc gia được khuyến khích cung cấp những phương pháp điều trị này theo hướng miễn phí hoặc giảm chi phí để cải thiện khả năng tiếp cận, đặc biệt ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
WHO khuyến nghị, varenicline - liệu pháp thay thế nicotine (NRT), bupropion và cytisine là những phương pháp điều trị hiệu quả đối với cai thuốc lá.
Năm 2023, WHO khởi xướng một quy trình sơ tuyển các sản phẩm thuốc chống lại những rối loạn do sử dụng thuốc lá nhằm cải thiện khả năng tiếp cận toàn cầu với các loại thuốc cai thuốc lá được khuyến nghị. Vào tháng 4 năm 2024, kẹo cao su và miếng dán nicotine của Công ty chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng Kenvue của Mỹ trở thành sản phẩm NRT đầu tiên được WHO sơ tuyển.
Đối với các biện pháp can thiệp hành vi, WHO khuyến nghị những buổi tư vấn ngắn gọn với nhân viên y tế, có thời gian kéo dài từ 30 giây cho đến 3 phút và được cung cấp thường xuyên tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, các lựa chọn chăm sóc chuyên sâu hơn bao gồm những buổi tư vấn cá nhân, nhóm hoặc qua điện thoại dành cho những người quan tâm.
Bên cạnh đó, các biện pháp can thiệp kỹ thuật số như nhắn tin văn bản, các ứng dụng trên điện thoại thông minh và chương trình internet có thể được sử dụng làm công cụ hỗ trợ hoặc tự quản lý.
Việc hỗ trợ người sử dụng thuốc lá bỏ thuốc lá là biện pháp giảm nhu cầu cốt lõi của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO (WHO FCTC) và là thành phần chính của gói giải pháp kiểm soát thuốc lá (MPOWER) được WHO thiết lập vào năm 2008 trong khuôn khổ WHO FCTC. WHO FCTC là công cụ kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất của thế giới. Kể từ khi có hiệu lực vào năm 2005, công cụ này đã đóng góp tích cực cho việc nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Tạ Hiệp (t/h)
Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/who-cong-bo-huong-dan-dieu-tri-cai-thuoc-la-a76661.html