Theo Digital Trends, kính viễn vọng không gian Hubble mới đây đã bắt được khoảnh khắc đáng chú ý trong vũ trụ, dựa trên kết quả hình ảnh về hai lần phơi sáng riêng biệt đã được hợp nhất, kính viễn vọng đã cho thấy ngôi sao BD+17 2217 tỏa sáng rực rỡ trên nền thiên hà dị thường Arp 263.
Các thiên hà dị thường có cấu trúc không đồng đều, không giống như các thiên hà hình elip hoặc xoắn ốc như Dải Ngân Hà của chúng ta. Thiên hà Arp 263 có vẻ ngoài loang lổ và nhiều đám mây, với một số khu vực phát sáng rực rỡ do quá trình hình thành sao mới, trong khi ở một số khu vực khác gần như trống rỗng.
Những thiên hà như vậy thường được hình thành do sự tương tác nào đó với các thiên hà khác, điều này có thể xảy ra khi một thiên hà lớn di chuyển ngang qua và kéo thiên hà ban đầu ra khỏi hình dạng vốn dĩ của nó. Trong trường hợp của Arp 263, người ta cho rằng nó đã biến thành hình dạng dị thường khi hai thiên hà hợp nhất.
Nói về ngôi sao “cô đơn” cực sáng, điều bất thường nằm ở hình ảnh nó được tạo ra và hiệu ứng phát ra từ các gai nhiễu xạ đặc biệt đến từ các vật thể sáng. Những gai sáng này là do cấu trúc hình học của gương mà Hubble sử dụng để quan sát các vật thể ở xa gây ra. Các hình ảnh sao sáng điển hình của Hubble thường có bốn gai nhiễu xạ (so với sáu gai nhiễu xạ được thấy trong các hình ảnh từ kính James Webb), nhưng trong trường hợp này, Hubble tại bắt được hình ảnh có đến tám gai nhiễu xạ.
Điều này là do hai bộ dữ liệu khác nhau đã được kết hợp để tạo ra hình ảnh, mỗi bộ được chụp ở một góc độ khác nhau, vì vậy hình ảnh sẽ có số lượng gai tăng gấp đôi một cách đột biến và đem lại hình ảnh đẹp mê hồn cho kính viễn vọng không gian Hubble.
Bạn đọc quan tâm có thể truy cập đường dẫn này để có thể chiêm ngưỡng ảnh chụp chất lượng cao về ngôi sao BD+17 2217.
Thanh Phong
Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/kinh-vien-vong-hubble-chup-duoc-sao-cuc-sang-day-la-lung-a75274.html