Động Hua Mạ, người dân địa phương còn gọi động Lèo Pèn (có nghĩa Rừng Ma) hay “Động Treo”, bởi hang động này nằm ở lưng chừng ngọn núi “Cô Đơn” thuộc khu Lèo Pèn, xung quanh động được bao bọc bởi núi rừng rậm rạp của Vườn Quốc gia Ba Bể. Động Hua Mạ ở độ cao 350m so với mực nước biển. Để đi lên được cửa động, du khách cần di chuyển men theo chân núi Cô Đơn, với độ dốc thoai thoải dài chừng 300 mét là tới cửa động. Chiều sâu động dài trên 700 mét, ăn sâu vào lòng núi theo hướng Đông – Nam.Trần động có chổ cao tới 40 – 50 mét. Nền động khô ráo, khá bằng phẳng, đi lại dễ dàng, ít gió, nhưng thông thoáng, mát mẻ. Chiều rộng của động trung bình từ 30 – 45 mét, chỗ rộng nhất 45m, chỗ hẹp nhất 10m. Cửa động ở phía Đông, rộng khoảng 3m, cao 5m, thông ra phía Nam.
Động Hua Mạ tọa lạc ở phía Nam hồ Ba Bể, nghiêng mình bên dòng sông Lèng, thuộc bản Pắc Ngòi, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Nếu bạn lướt thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể do cô gái Tày nhẹ đẩy mái chèo, phải vượt qua khoảng 6.000m đi về hướng Tây – Nam, sẽ đến động Hua Mạ, nằm trong quần thể danh thắng hồ Ba Bể.
Động Hua Mạ được người dân nơi đây biết đến từ bao đời nay, nhưng để được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Kạn cùng Ban Quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể khảo sát kỹ càng vào những năm 2003 – 2004 và đưa vào khai thác du lịch phải mãi tới giữa năm 2007.
Trong động Hua Mạ có nhiều tầng lớp hóa thạch màu trắng nõn, thỉnh thoảng gặp phải các bậc thềm, các gờ uốn lượn như những thửa ruộng bậc thang trông rất bắt mắt với hàng chục cột đá to cao chừng 10 – 15m, đứng sừng sững giữa hang động, được thiên nhiên “chạm khắc” rất tinh tế, giống như những trụ biểu ở đình chùa, lăng tẩm của vua chúa.
Nhưng một trong những điểm ấn tượng tạo nên danh tiếng của hang động Hua Mạ chính là toàn bộ khối nhũ đá thiên nhiên kiến tạo nên, cách nay hàng triệu triệu năm , không hề có bất kỳ sự can thiệp nào của con người, nhưng lại mang những hình thù kỳ thú, độc đáo, kỳ vĩ, tráng lệ, khiến mọi người ngỡ ngàng trước vẻ đẹp.
hoành tráng của những vách đá, nhũ đá long lanh huyền ảo. Mỗi nhũ đá ở đây là một biểu tượng khác biệt, tuy thuộc vào trí tưởng tượng và sự hình dung bay bổng của mỗi người mà mỗi nhũ đá sẽ mang một hình hài riêng.
Một trong những nhũ đá nơi đây nhiều người biết đến nhất là “cảnh buổi thiết triều của nhà vua” và kia là “thầy trò Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh”, còn xa xa là ngọn “Tháp Bú”t, “đài sen”… Đặc biệt các nhũ đá trắng tinh được phản chiếu qua ánh sáng mầu ta có cảm giác như “các vị sư mặc áo cà sa phủ phục trước Phật Tổ Như Lai”. Và đây là “đàn trâu đang gặm cỏ”, còn kia là “đàn chó hoang đang săn mồi”… Dưới ánh sáng bàng bạc chiếu vào lòng hang động, các măng đá, nhũ đá, trụ đá ngự tri trong hang giống người và vật, những sinh linh đãhàng ngàn năm hóa đá, giờ đang “sống dậy”, “cử động”, khiến du khách bàng hoàng…Dưới con mắt giàu trí tưởng tượng của du khách các bức “chạm trổ” hiện lên với bao hình hài vừa lạ vừa quen, vừa thật vừa ảo…Đó là “cung điện Hoàng gia” là “xứ sở thần tiên”…
Qua hàng triệu năm, trầm tích thời gian tạo nên những khối thạch nhũ mang nhiều dáng vẻ đặc biệt như bông hoa, Đức Quan Âm Bồ Tát tọa lạc trên đài sen…
Vẻ đẹp hang động Hua Mạ xứng đáng được mệnh danh “đệ nhất kỳ quan động”. Bởi thế ta không lấy làm lạ khi được nghe anh Jonathan, một du khách người Pháp sau khi đi thăm động đã cho biết: “Lần đầu tiên tôi được tham quan một hang động thật tuyệt vời. Trong động không khí rất mát mẻ, các nhũ đá được thiên nhiên kiến tạo quá hoàn hảo”.
Nhiều du khách khi đến thăm động Hua Mạ cho rằng so với các động khô đã được khám phá tại Việt Nam như động Thiên Cung (Hạ Long), động Thiên Đường (Phong Nha – Kẻ Bàng), động Hương Tích (Hà Nội)…, thì động Hua Mạ thực sự là đệ nhất kỳ quan động.
Động Hua Mạ còn đẹp bởi câu chuyện truyền thuyết kỳ bí, đầy tính nhân văn,, khơi gợi trí tò mò của con người.
Chuyện kể rằng: Ở khu vực Lèo Pèn là nơi ma quỷ trú ngụ, tại lưng chừng núi có một sơn động lạ. Ngày ngày cứ đến chiều tối, từ phía trong động vọng ra tiếng kêu la thảm thiết, khiến dân chúng trong vùng khiếp sợ, không ai dám đến gần.
Vào một ngày cuối năm, có một vị tướng nổi tiếng lập nhiều chiến công đi tuần qua, khi vừa đến bên bờ sông Lèng, trời gần tối. Đoàn người ngựa định sang bản bên kia sông để nghỉ lại qua đêm, nhưng lạ thay,khi xuống đến nước, các chú ngựa chiến cứ quay đầu trở lại, mồm hý vang,không muốn lội qua sông, như báo hiệu một sự việc gì đó! Cùng lúc này, từ phía trong động Lèo Pèn có tiếng kêu thất thanh vọng ra. Thấy sự việc lạ, vị tướng cho gọi dân làng đến hỏi chuyện, thì được biết, tiếng kêu thảm thiết đó là của những oan hồn của những binh lính đã cùng triều đình chống giặc, vì cố thủ trong hang, nên bị giặc đánh sập bít cửa hang, nên toàn bộ binh lính đã chết mà không được siêu thoát.
Hiểu rõ sự việc, viên tướng liền ra lệnh hạ trại ngay cạnh bờ sông Lèng và cho xây chùa, mổ ngựa lễ tế Trời, Đất, Phật Tổ… phù hộ cho những oan hồn siêu thoát. Kỳ lạ thay, khi tế lễ vừa xong thì những tiếng oan hồn trong động cũng im dần rồi mất hẳn. Từ đó người ta gọi sơn động này là động Lèo Pèn, động Hua Mạ hay còn gọi động Đầu Ngựa, để ghi nhớ một sự tích kỳ bí, huyền thoại của hang động này.
Cùng với hồ Ba Bể, Ao Tiên, thác Đầu Đẳng, động Puông hang Hua Mạ tạo nên chuỗi du lịch lý thú ở Bắc Kạn trong mùa du lịch./.
Trần Mạnh Thường
Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/hua-ma-o-bac-kan-de-nhat-ky-quan-dong-a74895.html