Đảm bảo ATTP trong bếp ăn nhà trường theo quy định của pháp luật

Theo thông tin từ cổng thông tin điện tử Sở y tế Thành phố Hà Nội thì thời gian qua, Hà Nội đã tăng cường, quyết liệt thanh kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là tại các bếp ăn trường học. Trong đó, công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào được đẩy mạnh.

Theo đó, Hà Nội hiện có 4.538 trường học có bếp ăn bán trú, căng tin. Trung bình mỗi ngày cung cấp hơn 117.000 suất ăn. Do vậy, công tác đảm bảo ATTP cho học sinh, nhất là trong những ngày Hè nắng nóng được các nhà trường quan tâm, chú trọng.

Đặc biệt, trong Tháng hành động vì ATTP năm 2023, các đoàn kiểm tra liên ngành từ Thành phố đến các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại các bếp ăn trường học.

Với sự ra quân đồng loạt trong Tháng hành động vì ATTP, các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm của TP đã kiểm tra 10 bếp ăn tập thể trường học. Trong đó, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã kiểm tra Trường Tiểu học Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm), Trường Mầm non Phương Tú (huyện Ứng Hòa), Trường Tiểu học và THCS Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức). Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 nhận thấy, có nơi thực hiện rất tốt nhưng có nơi vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các quy trình về bảo đảm ATTP.

Theo đánh giá của các đoàn kiểm tra, hầu hết nhà trường đều chấp hành tốt quy định về ATTP, ký hợp đồng với những đơn vị cung cấp có đủ hồ sơ năng lực. Tuy nhiên, bếp ăn tập thể của các trường vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

Trao đổi với Phóng viên của Tạp chí Sức khoẻ Việt, Luật sư Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Công ty Luật TNHH An Hoàng Gia, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: “Hiện nay Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm đến vấn đề về sinh an toàn thực phẩm, nhất là việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học, bởi lẽ đối tượng sử dụng và tiêu thụ thực phẩm ở đây là trẻ nhỏ, là học sinh bán trú tại nhà trường, những đối tượng có chế độ dinh dưỡng cần được xem trọng. Chính vì lý do này, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường học càng là vấn đề lớn đối với phụ huynh học sinh nói riêng, đối với nhà trường và toàn xã hội nói chung".

null
Luật sư Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Công ty Luật TNHH An Hoàng Gia, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Nhận thấy được tầm rất quan trọng của vấn đề nên Nhà nước đã có những quy định về việc bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm trong trường học, cụ thể là Thông tư Liên tịch số 13/2016/TTLB-BYT-BGDĐT. Thông tư liên tịch này quy định về công tác y tế trường học, bao gồm: quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, môi trường học tập, chăm sóc y tế có liên quan tới sức khỏe của học sinh trong trường học.

 

Trong đó, Điều 6 của Thông tư quy định về bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm. Cụ thể:

“1. Trường học có bếp ăn nội trú, bán trú

a) Bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất về an toàn vệ sinh thực phẩm theo khoản 1, khoản 2, khoản 3, mục VI và yêu cầu vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm theo khoản 5 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 07:2010/BYT) phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư số 46/2010/TT-BYT ;

b) Bếp ăn, nhà ăn (khu vực ăn uống), căng tin trong trường học bảo đảm theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố;

c) Đối với người làm việc tại nhà ăn, bếp ăn trong trường học phải bảo đảm các yêu cầu về sức khỏe theo quy định tại Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

2. Đối với các trường học không có bếp ăn nội trú, bán trú ký hợp đồng với các cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để cung cấp thức ăn cho học sinh; căng tin của nhà trường phải bảo đảm yêu cầu tại điểm b khoản 1 Điều này”.

Thời gian qua đã có rất nhiều vụ việc về ngộ độc thức ăn, đau bụng hay tiêu chảy hàng loạt xảy ra tại trường học. Tác hại để lại vô cùng nghiêm trọng. Học sinh bị ngộ độc thực phẩm, có triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy, hoa mắt chóng mặt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và quá trình học tập của học sinh trong nhà trường. Do vậy, việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học càng được đặt lên hàng đầu và có sự giám sát chỉ đạo thường xuyên liên tục của các Sở, ban ngành.

Hoàng Gia

Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/dam-bao-attp-trong-bep-an-nha-truong-theo-quy-dinh-cua-phap-luat-a74804.html