Hai nhà máy được Công ty CP Tập đoàn Nhựa Bình Thuận (Nhựa Bình Thuận) khánh thành gồm nhà máy Nhựa Đông Hải (Nhà máy số 4) tại Hải Dương chuyên sản xuất pallet và hạt nhựa; và Nhà máy Nam Tân Uyên (Nhà máy số 5) tại Bình Dương chuyên sản xuất các mặt hàng công nghiệp, gia công lắp ráp và sản xuất khuôn mẫu.
Tham dự sự kiện có đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương, Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước cùng đại diện các đối tác kinh doanh, các tổ chức tài chính và nhà đầu tư.
Được thành lập từ 2008, trải qua gần 15 năm xây dựng và phát triển đến nay quy mô sản xuất của Công ty CP Tập đoàn Nhựa Bình Thuận (Nhựa Bình Thuận) ngày càng mở rộng. Với tôn chỉ trung thực trong sản xuất kinh doanh, minh bạch trong hoạt động, đề cao thượng tôn pháp luật, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu suất, tối ưu chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và nói không với một giải pháp, đến nay Nhựa Bình Thuận đã từng bước tiến dần đến mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái tuần hoàn nhựa.
Phát biểu tại Lễ khánh thành ông Lê Văn Quang – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Nhựa Bình Thuận cho biết, sự kiện đã đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ; thể hiện rõ nét việc định vị cấu trúc sản xuất, năng lực đáp ứng thị trường, sự trưởng thành về hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động quản trị nội bộ, và là kết quả của sự phấn đấu bền bỉ, kiên định hướng tới mục tiêu xây dựng Tập đoàn phát triển bền vững và toàn diện.
Ông Quang cũng chia sẻ câu chuyện khi xây dựng chiến lược cho Nhựa Bình Thuận, một đối tác nước ngoài đã cho rằng để đánh giá sự trưởng thành của một doanh nghiệp phải bằng doanh thu, số thuế đóng góp cho địa phương và số công ăn việc làm mà doanh nghiệp đó tạo ra cho xã hội… Để làm được điều đó thì trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp phải lấy việc phụng sự xã hội, phụng sự khách hàng làm tôn chỉ và mục đích.
Từ ý kiến của đối tác đó, trải qua những khó khăn, nỗ lực vươn lên của Ban lãnh đạo Tập đoàn cùng cán bộ công nhân viên và người lao động để ngày hôm nay Nhựa Bình Thuận đã hoàn thành những bước đi vững chắc của mình trong việc xây dựng một hệ sinh thái tuần hoàn nhựa thông qua việc triển khai xây dựng và khánh thành hai nhà máy.
Trong đó, Nhà máy Nhựa Đông Hải được đầu tư với dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, gồm 4 máy ép và 02 dây chuyền tạo hạt. Công suất máy ép từ 2.250 – 2550 tấn; Công suất máy tạo hạt 16 tấn/ngày. Sản lượng nhựa tiêu thụ trên 3000 tấn, Nhà máy sản xuất từ 200 nghìn sản phẩm mỗi năm, số lượng hạt nhựa được nhập khẩu theo giấy phép 18000 tấn. Cùng với Nhà máy Nam Tân Uyên được hoàn thành đi vào hoạt động đã từng bước giúp Nhựa Bình Thuận hoàn thiện quy trình khép kín, hình thành hệ sinh thái sản xuất nhựa bền vững theo mục tiêu mà doanh nghiệp đặt ra
Ông Trịnh Minh Anh, cố vấn Hội đồng quản trị Nhựa Bình Thuận- Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành về Hội nhập quốc tế về kinh tế chia sẻ: Lễ Khánh thành 2 nhà máy sản xuất này là một sự kiện quan trọng đánh dấu việc Hệ sinh thái của Tập đoàn nhựa Bình Thuận có 5 nhà máy khắp các miền đất nước và trên hết là khẳng định Chiến lược phát triển của Tập Đoàn hoàn toàn đúng đắn.
“Nhựa Bình Thuận đã tạo ra sự khác biệt với các doanh nghiệp ngành nhựa khác đó là tập trung nghiên cứu, thiết kế và chế tạo khuôn mẫu (đây là điểm khác biệt cơ bản với các doanh nghiệp khác) và coi trọng việc tái chế tuần hoàn nhựa nguyên liệu nhằm tự chủ trong sản xuất, chế tạo ra những sản phẩm nhựa thiết yếu phục vụ cho các ngành kinh tế quan trọng của đất nước là công nghiệp, nông nghiệp và ngư nghiệp. Đồng thời hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu thông qua việc sản xuất những pallet nhựa có chất lượng cao góp phần quan trọng cho ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam”
Theo đó, các nhà máy của Nhựa Bình Thuận đều đạt tiêu chuẩn ISO với dây chuyền công nghệ hiện đại được nhập khẩu từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc…Cùng với đó là quá trình khép kín từ nghiên cứu, phát triển sản phẩm đến chế tạo khuôn sản xuất hạt nhựa và phân phối.
“Nhựa Bình Thuận nhận thức sâu sắc rằng việc khai trương nhà máy mới chỉ là bắt đầu. Ban lãnh đạo Tập Đoàn cần phải kiên định và phấn đấu không ngừng mới có thể đảm bảo các mục tiêu đề ra ở trên”, ông Quang chia sẻ.
Ông Lê Văn Quang cũng khẳng định, hiện Nhựa Bình Thuận đang theo đuổi 2 giá trị cốt lõi đó là nguyên liệu nhựa tái chế tuần hoàn và nghiên cứu, thiết kế và chế tạo khuôn mẫu.
Đây được coi là 2 cấu trúc lõi phù hợp và bền vững để Nhựa Bình Thuận thực hiện tầm nhìn đến năm 2030 trở thành Hãng nhựa số một Việt Nam trong lĩnh vực pallet nhựa, doanh nghiệp cũng đang tiến gần hơn đến sản xuất tuần hoàn, các hoạt động sản xuất gắn liền với môi trường xanh, đảm bảo các hoạt động tái chế phế liệu đáp ứng tối đa nguyên liệu trong sản xuất, tự chủ - sáng tạo trong khuôn mẫu định hình sản phẩm đáp ứng thị trường.
Thu Hường - Cấn Dũng
Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/nhua-binh-thuan-khanh-thanh-2-nha-may-tai-hai-duong-va-binh-duong-a69807.html