Sau đây là một số mẹo về cách ăn mặc cho cả ứng viên nam và nữ giải đáp thắc mắc mặc gì khi đi phỏng vấn cũng như tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng ở Phú Yên, Huế hay Đà Nẵng...
Nam giới mang áo sơ mi trắng quần vải âu (tây)
Nếu bạn là nam giới thì chuẩn bị trang phục đơn giản hơn. Trang phục thường hay được lựa chọn đó là quần tây áo sơ mi. Áo sơ mi trắng được xem là “chuẩn soái ca” vì độ thanh lịch, trẻ trung và làm bật sáng ngoại hình. Bạn cũng có thể chọn các màu sắc khác như đỏ nâu, xám, vàng nhạt… chỉ cần để ý nên chọn gam màu nhạt. Ứng viên nam nên tránh áo có những họa tiết sặc sỡ như in hình hoa lá, động vật, biểu tượng...
Với quần, bạn có thể chọn quần tây (quần âu) có độ dài đến gót chân. Màu sắc lí tưởng nhất là xanh đen, hoặc xám. Hạn chế mang quần kaki và không nên mặc quần jean.
Ứng viên nam khoác thêm áo vest, cà vạt nếu cần thiết
Nếu tính chất công việc cần thể hiện sự chuyên nghiệp hoặc ứng tuyển các vị trí khá cao cấp như trưởng phòng, trưởng bộ phận, giám đốc kinh doanh… thì tốt nhất bạn nên khoác thêm áo vest. Chiếc áo vest này giúp bạn định hình phong cách chững chạc và chuyên nghiệp hơn.
Cà vạt cũng là món phụ kiện trang phục cần thiết, lưu ý chọn màu cà vạt hợp tone của tổng thể, tạo sự trang nhã và hoạ tiết đơn giản.
Ứng viên nữ chọn áo sơ mi trắng, quần tây hoặc chân váy
Ứng viên nữ nên mặc gì khi đi phỏng vấn? Phụ nữ luôn có nhiều lựa chọn trang phục hơn nam giới do tính chất kiểu dáng thời trang đa dạng hơn. Tùy theo lĩnh vực ứng tuyển để bạn chọn trang phục cho phù hợp.
Nếu ứng tuyển vào ngành hành chính nhân sự, văn phòng, kế toán, giáo dục… bạn có thể chọn áo sơ mi trắng hoặc kem sữa phối với quần tây hoặc chân váy có độ dài quá gối vừa kín đáo vừa lịch sự không lo “lộ hàng”. Chân váy chữ A hoặc dáng bút chì vừa tôn dáng vừa nữ tính. Màu sắc nên chọn là các gam màu trang nhã như xanh đen, xanh, xám, nâu, kem; Hạn chế các màu quá nổi bật như cam, hồng, vàng, trắng, tím, xanh lá cây… Bạn có thể khoác thêm áo vest cách điệu hoặc blazer trẻ trung và trông chuyên nghiệp hơn.
Váy, đầm liền trang nhã
Với lĩnh vực truyền thông, sự kiện, dịch vụ, du lịch, thẩm mỹ, chăm sóc khách hàng… thì nhà tuyển dụng cũng không quá khắt khe khi đánh giá tiêu chuẩn trang phục ứng viên. Do đó bạn nên hướng tới trang phục trẻ trung năng động hơn như đầm váy, kể cả váy body miễn sao lịch sự và hợp dáng.
Màu sắc chọn gam trẻ trung và nâng thần thái của bạn. Hạn chế diện các màu nâu, chàm, lam và xám vì nó làm cho bạn trông đằm (già) hơn.
Trang phục tự do
Trong nhiều trường hợp, ứng viên có thể ăn mặc thoải mái đến dự buổi phỏng vấn nếu như công việc thuộc các lĩnh vực như nghệ thuật, giải trí, thời trang, thiết kế…
Đây được xem là các ngành không khắt khe và không có quy chuẩn nhất định nào về trang phục. Và tất nhiên khi dự phỏng vấn cũng thế, nhà tuyển dụng ít khi bắt buộc ứng viên phải ăn mặc như thế nào mà để họ tự do thể hiện phong cách cá tính và tư duy thời trang của mình. Do đó ứng viên thoải mái phối đồ miễn sao đảm bảo tính thẩm mỹ nhất và tạo hình tượng tốt nhất mình muốn truyền tải đến nhà tuyển dụng.
Một số lưu ý khi chọn trang phục khi đi phỏng vấn
Bạn nên tìm hiểu kỹ phong cách, văn hóa trang phục của công ty: Bằng cách biết rõ thực tế văn hóa công ty cũng như tính chất công việc bạn có thể chọn trang phục phù hợp hơn. Bạn có thể biết điều này thông qua việc xem thông tin tuyển dụng có quy định trang phục dự phỏng vấn hay không. Nếu không bạn có thể gửi mail hỏi người phụ trách về yêu cầu trang phục của ứng viên nếu có.
Bạn nên chọn trang phục phù hợp với tuổi tác, dáng người: Cùng với thần thái gương mặt, trang phục chính là yếu tố đầu tiên ứng viên tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Cách phối đồ và chọn màu sắc đơn giản, thanh lịch sẽ làm cho bản thân mình trông trẻ trung nhất, thần thái cuốn hút, đầy sức sống nhất. Nên hạn chế các chi tiết như nơ, dây xích, dây buộc, ren… vì nó làm cho bộ trang phục rườm rà hơn.
Chọn trang phục tùy theo tính chất công việc: Bạn không thể mặc trang phục nhân viên văn phòng – vốn nghiêm túc đi làm các công việc thiên về sự linh hoạt, di chuyển đây đó như tổ chức sự kiện, hướng dẫn du lịch, khảo sát thị trường… Tương tự, chọn trang phục phỏng vấn cũng vậy, nên tùy theo tính chất công việc, đảm bảo sự tiện dụng và chuyên nghiệp.
Với những ứng viên có nhiều kinh nghiệm thì mặc gì khi đi phỏng vấn không còn là vấn đề khó. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ mới là “tân binh” thì những thông tin trên thực sự cần thiết. Nếu biết cách chọn trang phục, bạn sẽ tỏa sáng hơn với vẻ ngoài trẻ trung và năng động cũng như tạo ấn tượng hoàn hảo nhất với nhà tuyển dụng.
Đặng Hảo
Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/mac-gi-khi-di-phong-van-a69364.html