"Có quan điểm coi trái phiếu DN là trò đánh bạc, thổi bay nhiều tỷ USD của nhà đầu tư"

Các chuyên gia cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một trong những “mạch máu” quan trọng của nền kinh tế, nhưng hiện tại vẫn có quan điểm coi trái phiếu doanh nghiệp như trò chơi đánh bạc, khiến thị trường ‘lên bờ xuống ruộng’.

Chia sẻ tại Tọa đàm "Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" mới đây, TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cho biết thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một trong những “mạch máu” quan trọng của nền kinh tế, tương tự như tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường này đang không nhận được sự quan tâm tương xứng.

lxn-1663312068.jpg
Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, vẫn có quan điểm coi trái phiếu doanh nghiệp như trò chơi đánh bạc.

Cụ thể, ông Nghĩa dẫn số liệu tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường hiện vào khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương 1/3 tổng số vốn trung, dài hạn do hệ thống ngân hàng cung ứng (khoảng 5 triệu tỷ).

Song, theo ông Lê Xuân Nghĩa, trên thực tế vẫn có quan điểm coi trái phiếu doanh nghiệp như trò chơi đánh bạc của các doanh nghiệp phát hành. “Lừa được đến đâu thì lừa, nhà đầu tư không hiểu biết thua lỗ thì phải tự chịu”, ông Nghĩa nói.

Theo vị chuyên gia, trái phiếu doanh nghiệp là kênh cung ứng vốn rất quan trọng cho các doanh nghiệp, bên cạnh vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý đang không dành sự quan tâm tương xứng cho thị trường này.

Cụ thể, bộ phận phát triển thị trường trái phiếu chỉ có quy mô rất nhỏ trong hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong khi ngoài cơ quan quản lý thì đang không có doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm, không có đơn vị giám sát nào. “Đây là điều đáng trách”, ông nhấn mạnh.

“Do giám sát không chặt chẽ đã khiến thị trường ‘lên bờ xuống ruộng’ và như thế sẽ rất khó phát triển bền vững lâu dài đồng thời khó giữ niềm tin vững chắc của dân chúng,” ông Nghĩa nói thêm.

Hiện, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có độ rủi ro tương đối cao và cần có hệ thống giám sát vi phạm đạt chuẩn để các nhà đầu tư thấy rõ “sức khỏe doanh nghiệp,” từ đó đưa ra các quyết định chọn theo khẩu vị rủi ro của họ.

Vị chuyên gia lấy dẫn chứng: “Vụ việc lãnh đạo FLC thao túng giá chứng khoán, theo tính toán làm nhà đầu tư thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng, nhưng việc ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bị bắt đã làm thị trường sụt giảm mạnh, thổi bay nhiều tỷ USD. Đây đều là tiền của nhà đầu tư”.

Tuy vậy, thị trường trong nước hiện chưa có đủ định chế tài chính để giúp trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo hướng này.

Ông Nghĩa cũng cho rằng việc quản lý trái phiếu doanh nghiệp theo hướng không ai giám sát, khi có sự cố thì siết chặt, hình sự hóa các quan hệ kinh tế sẽ gây rủi ro rất lớn cho thị trường, nhà đầu tư. Trong khi đây là một thị trường rất quan trọng với nền kinh tế và doanh nghiệp.

"Hiện tại, Việt Nam chưa có đủ định chế thật sự để quản lý giám sát phát triển thị trường này. Và, cách giải quyết vấn đề là khi sai phạm xảy ra sẽ xử lý hình sự. Cứ mỗi lần như vậy, thị trường bị rủi ro rất lớn do mất niềm tin," ông Nghĩa nói.

Đồng quan điểm, ông Võ Trí Thành cho rằng thị trường trái phiếu của Việt Nam hình thành từ những năm 90 và đến nay đã phát triển khá đa dạng. Vấn đề đặt ra đã đến lúc cần một cơ quan chịu trách nhiệm chính, theo hướng xác định rõ việc giám sát thị trường tài chính là “thị trường hợp nhất hay chuyên biệt.”

“Từ khi thành lập Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cơ quan này đã quản lý gắn với kinh tế vĩ mô, điều tiết các vấn đề tài chính bên cạnh đó là giám sát các định chế tài chính. Cho nên trong bối cảnh mới, Việt Nam có thể xem xét lại vai trò và trách nhiệm của Ủy ban mà không cần thiết phải lập lại thị trường,” ông Thành nói.

Quỳnh Chi

Link nội dung: https://tieudungtiepthi.vn/co-quan-diem-coi-trai-phieu-dn-la-tro-danh-bac-thoi-bay-nhieu-ty-usd-cua-nha-dau-tu-a68774.html