Dấu tích còn ghi trên tấm Bia đá hoa cương bằng chữ Việt và chữ Lào “ĐỊA ĐIỂM Ở VÀ LÀM VIỆC CỦA HOÀNG THÂN XUPHANUVÔNG”. “Nơi đây, từ cuối năm 1950 đến giữa năm 1951, Hoàng thân Xuphanuvông Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào, Chủ tịch Mặt trận Lào Ít xa la và các đồng chí cán bộ cách mạng Lào đã ở và làm việc. Cũng tại đây, tháng 12 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và làm việc với các đồng chí lãnh đạo Chính phủ kháng chiến Lào và thăm đồng bào địa phương”.
Đến thăm Di tích lịch sử cách mạng Lào tại xã Mỹ Bằng, chúng tôi cùng với hai bạn sinh viên Lào đang học tại trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang) đều thán phục các vị tiền bối cách mạng Việt Nam đã chọn cho các vị tiền bối cách mạng Lào địa điểm lập căn cứ kháng chiến “vạn sự khởi đầu nan” này. Nơi đây ngày xưa là “rừng xanh núi đỏ”, phía sau lưng là núi cao, phía trước là có suối nước chảy quanh năm, có hang đá ẩn nấp phòng thủ cũng na ná như Pác Bó (Cao Bằng).
Hai sinh viên Lào Tulaphone Phantha vong và Lang Senphachanh cùng ở tỉnh Xiêng Khoảng, giáp giới với Nghệ An đều xúc đông bày tỏ: Chúng em được tuyển chọn sang học ngành Dược và Kế toán là rất vinh dự, lại được thay mặt cho các bạn sinh viên Lào đang học tại Đại học Tân Trào (Tuyên Quang) đến thăm di tích các vị tiền bối cách mạng Lào là Hoàng thân Xuphanuvông cùng các vị Cayxỏn Phômvihản, Khămtày Siphănđon, Phu Ma và nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Lào đã được các vị tiền bối cách mạng Việt Nam giúp đỡ chí tình lập căn cứ kháng chiến đầu tiên tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn – Tuyên Quang). Để từ đây cách mạng Lào phát triển, các vị tiền bối lãnh đạo nhân Lào sát cánh cùng Việt Nam làm cách mạng, chống kẻ thù chung, giành độc lập dân tộc mới có nước Lào hôm nay. Chúng em là những người được hưởng thành quả cách mạng. Mối tình hữu nghị Lào - Việt Nam có từ nguồn gốc sâu xa, năng tình nghĩa anh em ngay từ thời các vị tiền bối cách mạng của hai nước truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Hiểu và tri ân các bậc tiền bối cách mạng hai nước, chúng em cảm ơn trường Đại học Tân Trào đã cưu mang, giúp đỡ tận tình các sinh viên Lào, trong đó có hai chúng em đã và đang học để sau khi tốt nghiệp đem kiến thức đã học được phục vụ xây dựng đất nước Lào ngày càng vững mạnh, góp phần vun đắp tinh hữu nghị Lào – Việt Nam ngày càng bền chặt.
Theo nguồn sử liệu còn lưu giữ tại địa phương, xã Mỹ Bằng nằm ở ngã ba đường nơi giáp ranh của ba tỉnh Tuyên Quang – Yên Bái – Phú Thọ, là cửa ngõ phía Tây Bắc của Tuyên Quang, nối liền giữa Tây Bắc và Việt Bắc, có vị trí chiến lược cách mạng quan trọng. Từ đây có thể dễ dàng theo đường bộ đi thị xã Tuyên Quang, đến an toàn khu Sơn Dương, Chiêm Hóa – Nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Chính phủ ta. Tại đây, Hoàng thân Xuphanuvông cùng các vị: Cayxỏn Phômvihản, Khămtày Siphănđon, Phu Ma và nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Lào đã đến ở, làm việc từ tháng 6 năm 1950 đến cuối năm 1951.
Tại xã Mỹ Bằng, từ ngày 13 đến 15/8/1950, đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Ítxala, tới dự Đại hội có hơn 100 đại biểu thay mặt cho nhân dân các bộ tộc Lào. Đại hội đã bầu Hoàng thân Xuphanuvông làm Thủ tướng Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Lào đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào tự do; Thao Singkapau Chounnamali làm Phó chủ tịch Mặt trận; Phaya Phoumi Vôngvichít làm thư ký Mặt trận. Đại hội thông qua chương trình và điều lệ của Mặt trận, tuyên ngôn của Đại hội gửi nhân dân Lào và nhân dân thế giới. Trong Tuyên ngôn Đại hội nêu rõ cuộc kháng chiến chống Pháp nhằm mục đích đấu tranh giành độc lập, thống nhất, xây dựng nước Lào giàu mạnh, thực hiện các quyền tự do dân chủ. Tuyên ngôn đã kêu gọi các bộ tộc Lào, các lực lượng kháng chiến và các đảng phái chính trị có xu hướng tiến bộ ở Lào đoàn kết đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai, đề ra các chủ trương, chính sách về xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị, xây dựng chính quyền và căn cứ địa cách mạng, đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến đấu lâu dài nhằm giải phóng đất nước.
Từ đây, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ kháng chiến và Mặt trận Neo Lào Ítxala đã chỉ đạo, tập hợp được đông đảo các tầng lớp quần chúng tham gia vào các đoàn thể yêu nước. Chỉ trong vòng một năm, Mặt trận đã phát triển thêm hàng vạn hội viên, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường thêm vững chắc, mạnh mẽ, làm hậu thuẫn cho Chính phủ kháng chiến Lào. Trong thời gian ở, làm việc tại đây, Hoàng thân Xuphanuvông và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp gỡ và nhiều lần gửi thư trao đổi về tình hình cách mạng hai nước để kịp thời đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn, cùng phối hợp hành động vì sự nghiệp chung đấu tranh giành độc lập, tự do.
Hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng thời gian ở và làm việc tại xã Mỹ Bằng của Hoàng thân Xuphanuvông và đồng chí Cayxỏnphômvihản đã để lại những tình cảm tốt đẹp, khắc sâu trong ký ức của nhân dân các dân tộc địa phương.
Cụ Lê Văn Tân (ảnh trên) ở thôn Ngoài, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), sinh năm 1929, đã từng chiến đấu ở Lào, năm nay 93 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, nhớ lại: Khi Hoàng thân cùng các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Lào ở đây thì tôi đang đi chiến đấu ở Lào, giải phóng Sầm Nưa để Chính phủ Lào ở đây về lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Khi trở về đây, tôi được nghe mọi người kể lại, từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng quý mến và hết sức bảo vệ cho Hoàng thân Xu-Pha-Nu-Vông cùng các đồng chí cán bộ Lào. Hoàng thân Xu-Pha-Nu-Vông là người rất gần gũi, thường xuyên đi thăm hỏi bà con ở quanh thôn. Tết Tân Mão năm 1951,Hoàng thân Xu-Pha-Nu-Vôngcùng ăn Tết cổ truyền của Việt Nam với đồng bào dân tộc trong thôn, còn mừng tuổi cho các cháu thiếu nhi. Tình cảm giữa Hoàng thân Xuphanuvông với nhân dân thắm thiết, gần gũi lắm.
Khu di tích lịch sử cách mạng Lào được khoanh vùng bảo vệ thành hai khu vực: KV1: 20.100 m2 ; KV2: 200 m2, bao gồm các di tích: Hang đá – nơi ở, làm việc của Hoàng thân Xuphanuvông; nơi ở của đồng chí Cayxỏn Phômvihản; nơi ở, làm việc của đơn vị bộ đội Lào. Di tích nằm tại khe núi Nhọn, chân núi Là thuộc thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. UBND xã Mỹ Bằng đã đề xuất với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang để nâng cấp, cải tạo một số hạng mục trong khu di tích lịch sử cách mạng Lào. Xây dựng nơi đây thành một địa điểm tham quan thu hút khách du lịch, đồng thời cũng là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung, trong sáng giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Lào, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đã đặt nền móng và dày công vun đắp.
Hơn 70 năm đã trôi qua, những kỷ niệm và hình ảnh về các đồng chí cán bộ cách mạng tiền bối Lào trong thời gian ở và làm việc nơi đây vẫn in đậm trong tâm trí đồng bào các dân tộc ở địa phương.
Phát huy truyền thống cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ở Mỹ Bằng đoàn kết xây dựng quê hương, đưa Mỹ Bằng trở thành một trong những xã đầu tiên thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang từ năm 2014 và nông thôn mới nâng cao từ năm 2021. Về Mỹ Bằng những ngày này sự thay đổi đã hiện rõ: Hệ thống cơ sở, hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang; 100% đường làng, ngõ xóm, 100% đường nội đồng đã được bê tông hóa, 25/25 thôn đã có nhà văn hóa gắn với sân thể thao đạt chuẩn, trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Xã Mỹ Bằng hiện có 3.422 hộ, 13.750 nhân khẩu với 16 dân tộc anh em như Cao Lan, Mông, Dao, Tày….Xã xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là điều kiện rất quan trọng để người dân nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cây chè được xác định là một trong những cây chủ lực phát triển kinh tế, hiện nay, xã Mỹ Bằng có 670 ha, năng suất bình quân 105,8 tạ/ha, cung cấp nguyên liệu cho 3 công ty chè và 15 xưởng chế biến chè trên địa bàn xã. Nhờ làm tốt các khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản cho nhân dân trên địa bàn, cây chè đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Xã đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với thế mạnh của địa phương: đẩy mạnh thâm canh cây chè, khuyến khích người dân phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi lợn, trâu, bò, gà, trồng rừng. Nhờ đó, thu nhập của người dân không ngừng tăng lên, năm 2014 thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/người/năm, đến năm 2020 tăng lên 46 triệu đồng/người/năm, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Xã Mỹ Bằng phấn đấu đến hết năm 2022 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 52 triệu đồng/người/năm, tiếp tục giữ vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với xây dựng xã đô thị loại 5.
Bí thư Đảng uỷ xã Mỹ Bằng Hoàng Đức Cảnh, cho biết : Thời gian tới xã sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các thương hiệu sản phẩm hàng hóa của địa phương đặc biệt là các sản phẩm Chè được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 02 sản phẩm xếp loại 4 sao và 03 sản phẩm xếp loại 3 sao, xây dựng thương hiệu chè Bát Tiên, chè xanh Tháng 10, gà sạch Mỹ Bằng. Đưa xã Mỹ Bằng thành xã nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ đảm bảo phục vụ tốt cho phát triển sản xuất kinh doanh và đời sống cộng đồng dân cư, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp tạo không gian, diện mạo mới cho các khu dân cư, đường làng, ngõ xóm; y tế, văn hóa, giáo dục phát triển toàn diện, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Đồng thời,tiếp tục tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, phối hợp giải quyết công việc nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Mỹ Bằng không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với đó, Mỹ Bằng quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích cách mạng Lào trở thành “địa chỉ đỏ” thu hút du khách đến tham quan, giáo dục truyền thống cách, đoàn kết, giúp đỡ nhau giữa hai nước và nơi đây là một biểu tượng về tình hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Xuân Bân - Thắng Thưởng